Theo Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội, dự án vành đai 3 có chiều dài 76,34km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 642,7ha (trong đó TP Hồ Chí Minh là 408ha), với 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng...
    |
 |
Một đoạn vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tienphong.vn |
Đầu tháng 7-2022, lãnh đạo các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tiến hành ký kết quy chế, kế hoạch triển khai. UBND TP Hồ Chí Minh giữ vai trò cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các địa phương còn lại xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất để dự án triển khai, hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2026.
Giữa tháng 7 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án vành đai 3 đoạn TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Vành đai 3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu không có quyết tâm chính trị lớn, huy động các nguồn lực, sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, dự án khó hoàn thành đúng tiến độ. Thành phố đã thành lập các cơ quan chỉ đạo, điều hành như: Tổ công tác dự án vành đai 3, ban chỉ đạo dự án, hội đồng cố vấn, ban chỉ huy dự án vành đai 3... Các cơ quan này sẽ giúp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn nảy sinh.
Vấn đề giải tỏa mặt bằng, tái định cư cho dự án vành đai 3 được xem là thách thức lớn nhất, đòi hỏi nhiều cơ chế, phương thức đặc thù. Tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng. Để giải quyết tốt bài toán giải tỏa mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiến độ, TP Hồ Chí Minh cần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho triển khai thí điểm chính sách tái định cư cho dự án vành đai 3. Cụ thể, khi xác định đúng pháp lý về nhà, đất và chủ đất có đủ điều kiện tái định cư thì địa phương cấp quận, huyện và thành phố trực thuộc khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư. Mặt khác, Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh có các cơ chế đặc thù như: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; để bảo đảm về nguồn vốn cần cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương...
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh trong tháng 7-2022 đã tích cực tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh, phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch cấp quận và cấp thành phố liên quan đến dự án. Đến nay, đơn vị này đang hoàn tất bàn giao bình độ tuyến để phù hợp với ranh tuyến dự án đi qua, bảo đảm dự án đủ điều kiện khởi công, đạt 22km/47km cho chủ đầu tư. Đơn vị cũng đang phấn đấu đến ngày 30-9-2022 sẽ hoàn thành điều chỉnh 32 đồ án quy hoạch ảnh hưởng đến dự án vành đai 3, đồng thời triển khai các nội dung để bảo đảm dự án đủ điều kiện khởi công sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch cuối năm 2023, hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2026.
HỒNG THU