Những ngày qua, các sàn diễn kịch nói, cải lương sáng đèn liên tục đón khán giả đến xem với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Các sân khấu như: Sân khấu Nhỏ 5B, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Thế Giới Trẻ, Hồng Vân... đã chuẩn bị các vở diễn đặc sắc giới thiệu đến khán giả, cùng với áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn cao nhất.

leftcenterrightdel
      Khán giả thưởng thức kịch nói tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP Hồ Chí Minh) dịp Tết Nhâm Dần 2022. 

Điều đáng mừng là các sân khấu có lượng khán giả đến xem khá đông. Sân khấu Idecaf và Thế Giới Trẻ có nhiều suất diễn rơi vào tình trạng “cháy vé”, còn các sân khấu khác luôn có tỷ lệ số ghế có khán giả đạt 60-80%. Các vở diễn như: “Bao giờ mẹ lấy chồng?”, “Ngược gió”, “Lò võ tiếu lâm”, “Cuộc chiến sắc đẹp”... ở sân khấu Thế Giới Trẻ; “Chuyện làng”, “Mảnh vỡ” ở sân khấu Sen Việt; “Bạch Hải Đường”, “Chờ thêm chút nữa”, “Nửa đời ngơ ngác”, “Sài Gòn có một ngã tư”, “Bao giờ sông cạn”... ở sân khấu Hoàng Thái Thanh; “Thân sâu hồn bướm”, “Ngôi nhà trên thuyền”, “Điềm báo”, “Ngã rẽ”... ở sân khấu Hồng Vân luôn hấp dẫn đối với người xem. Sân khấu kịch Idecaf mùa Tết Nhâm Dần đã tạo dấu ấn khi tổ chức giới thiệu hai vở hài kịch “Ngũ quý kỳ phùng” và “Cậu Đồng” mang đến không khí vui tươi, ấm áp nhưng cũng đầy ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới.

Các sân khấu cải lương cũng sôi nổi với hàng loạt chương trình hướng đến chào xuân mới phục vụ khán giả. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức chương trình tổng hợp nghệ sĩ mừng xuân với các vở diễn chất lượng như: “Đứa con họ Triệu”, “Lương Sơn Bá -Chúc Anh Đài”, “Dương Quý Phi”...

Cùng với các vở diễn đặc sắc, mùa Tết Nhâm Dần có sự trở lại của nhiều nghệ sĩ tên tuổi với niềm vui được cống hiến tài năng và đam mê cho nghệ thuật và khán giả. Các Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc cùng dàn nghệ sĩ, diễn viên đa năng, dí dỏm: Bạch Long, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Đình Toàn, Hương Giang, Đức Thịnh, Tuấn Khải...

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu Nhỏ 5B nói: “Trở lại sàn diễn sau nhiều tháng, được cống hiến nghệ thuật mang lại cảm xúc và niềm vui cho khán giả khiến các nghệ sĩ rất cảm động, tự hào. Những đau thương, mất mát và cả tình người, tình yêu thương trong những ngày tháng dịch bùng phát càng làm cho khán giả lẫn nghệ sĩ trân quý hơn những giây phút vui tươi, ấm áp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Có những suất diễn khán giả cổ vũ nhiệt tình khiến chúng tôi cảm động rơi nước mắt".

Không chỉ là nghệ sĩ tham gia các vở diễn, NSƯT Mỹ Uyên còn có vai trò là nhà tổ chức các buổi diễn. Với chị, mỗi lần Sân khấu Nhỏ 5B ngưng hoạt động để phòng tránh dịch đều để lại những tiếc nuối, âu lo. Lần này, dù đón khán giả tối đa chỉ đạt hơn 50% số ghế quy định cũng mang lại cho chị nhiều niềm vui. Theo các nghệ sĩ, ngày Tết được diễn là anh em diễn viên hạnh phúc rồi. Khán phòng năm nay tuy không đầy ắp khán giả nhưng không khí biểu diễn và giao lưu rất tốt. Khán giả háo hức khi đến xem kịch và có sự tương tác rất dễ thương với diễn viên trong nhiều tình huống hài hước. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Oanh, quận 9, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Có thể nói, mùa Tết đã chứng kiến sự trở lại ấn tượng của sân khấu TP Hồ Chí Minh. Sự chuẩn bị chu đáo qua các vở diễn, chất lượng các vở diễn đặc sắc, hấp dẫn; các nghệ sĩ như được thăng hoa cống hiến nghệ thuật sau thời gian dài đã mang lại những phút giây đầy cảm xúc. Điều đó đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với khán giả yêu thích sân khấu kịch khi quay trở lại các rạp".

Nhiều năm qua, loại hình sân khấu kịch, cải lương gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã được xã hội hóa một cách mạnh mẽ nhưng ngay cả những đơn vị quản lý, tổ chức sân khấu kịch nhiều lúc đã nản lòng vì lượng khán giả đến rạp xem các vở diễn kịch nói ngày càng ít đi.

Không ít sân khấu sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh muốn khởi động trở lại, phải chuẩn bị gần như tất cả mọi thứ từ trang trí lại sân khấu, thay thế đạo cụ, xây dựng kịch bản, kêu gọi nghệ sĩ trở lại sân khấu, tổ chức truyền thông các vở diễn... Khó khăn bộn bề nhưng khi hoạt động trở lại, một số sân khấu cũng có các chương trình giảm giá vé, tri ân lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Chẳng hạn như sân khấu Hoàng Thái Thanh đã có chương trình tặng vé xem kịch cho y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Khó khăn của sân khấu kịch, cải lương còn nhiều, nhưng với sự ủng hộ của khán giả, sự nỗ lực của các đơn vị quản lý sân khấu, tình yêu nghề... các nghệ sĩ đang cộng hưởng tạo nên những tín hiệu tích cực ở TP Hồ Chí Minh. Đây là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tạo nên nguồn lực “giữ lửa” cho nghệ thuật truyền thống tiếp tục duy trì, phát huy trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt với các loại hình giải trí khác.

Bài và ảnh: BÌNH MINH