Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh tích cực phối hợp với các địa phương, chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ để thuận tiện đưa hàng hóa về thành phố phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ nguồn hàng nông sản lớn từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An... Từ khi thành phố thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến thành phố giảm đi đáng kể do việc kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đây là yêu cầu cần thiết trong điều kiện dịch bệnh chưa được kiểm soát. Tuy nhiên, qua hơn một tuần thành phố thực hiện cách ly xã hội, vẫn còn tình trạng xe chở hàng ở các địa phương khác không đủ điều kiện lưu thông vào thành phố hoặc đi qua thành phố để tới các tỉnh lân cận. Có mặt tại chốt kiểm dịch đầu cầu Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến một số xe tải chở hàng hóa phải dừng khá lâu ở chốt kiểm dịch vì tài xế thiếu giấy nhận diện phương tiện-một biện pháp quản lý hệ thống xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm trong điều kiện phòng, chống dịch, do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thực hiện.

leftcenterrightdel
Kiểm tra các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch đối với xe vận chuyển hàng hóa đến TP Hồ Chí Minh. 

Tại Bình Thuận, mấy ngày nay nhiều tiểu thương gửi hàng vào TP Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn, bởi các dịch vụ vận chuyển đều quá tải. Nhiều mặt hàng nông sản, hải sản bị ùn ứ do 3 chợ đầu mối lớn của TP Hồ Chí Minh phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Tiểu thương muốn thuê xe chở hàng cũng khó khăn vì phải thêm chi phí xét nghiệm và tăng tiền công vận chuyển do kéo dài thời gian đi lại so với bình thường. Bà Lê Thùy Dung, chủ vựa hải sản Quân Dung ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), bộc bạch: “Tôi thường đổ mối hải sản ở chợ Bình Điền (quận 8, TP Hồ Chí Minh), nhưng từ khi chợ bị đóng cửa, lại thêm cách ly xã hội nên không thể giao hàng. Hiện tại, gia đình tôi đang ứ đọng khá nhiều hàng cần giải phóng”.

Trước thực tế này, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã chủ động thống nhất phương án với sở GTVT các tỉnh trong khu vực theo hướng tạo luồng xanh, cấp mã QR để xe chở hàng qua chốt kiểm dịch; cấp giấy nhận diện phương tiện cho các xe vận tải thuộc nhóm ưu tiên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 9-7) đến 14-7, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã cấp gần 22.000 giấy nhận diện phương tiện cho 41 đơn vị vận tải; chủ động ứng dụng công nghệ trong việc cấp giấy nhận diện phương tiện để thuận lợi lưu thông. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết: Để cấp giấy nhận diện phương tiện, đơn vị đầu mối chỉ cần nộp hồ sơ qua mạng, nhân viên của sở xem xét, trả kết quả qua mạng ngay khi hoàn tất. Nếu hồ sơ đúng định dạng và gửi đúng trình tự, đúng mục đích, lộ trình lưu thông và đúng đối tượng ưu tiên sẽ giải quyết trong vòng 2 giờ. Tất cả hồ sơ đều giải quyết trong ngày, bảo đảm nhanh nhất cho xe chở hàng sản xuất và nhu yếu phẩm lưu thông.

Theo đó, các xe vận chuyển hàng hóa như: Lương thực, thực phẩm, gạo, mì gói, thịt, cá, trứng, sữa... doanh nghiệp thông qua đầu mối là Sở Công Thương để đăng ký. Xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh vào TP Hồ Chí Minh... đầu mối là Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp. Xe vận chuyển hàng hóa ra vào cảng, đầu mối là đơn vị quản lý cảng. Xe chở hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, chuyên gia, người lao động... quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh thì đầu mối là sở GTVT các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ... Phương án này đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thống nhất triển khai thực hiện để hàng hóa lưu thông thuận tiện. Các địa phương trong vùng như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Bình Dương... cũng đã đăng ký cấp giấy nhận diện cho các phương tiện.

Đối với giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, ngành y tế thành phố chủ trương ưu tiên xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa. Thành phố sẽ cập nhật thông tin về danh sách, địa chỉ các cơ sở y tế có hỗ trợ ưu tiên trong xét nghiệm SARS-CoV-2 (cả test nhanh và PCR) cho đối tượng này lên bản đồ giao thông TP Hồ Chí Minh trên website của Sở GTVT. Người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa (gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ đi theo xe) có thể chủ động tra cứu và đến các điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 được cập nhật trên bản đồ để được xét nghiệm. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: Hiện tại, chi phí cho các khâu trung gian kinh doanh hàng hóa tăng lên do phân phối khó khăn và phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Giá cả một số mặt hàng chênh lệch giữa các địa phương do ùn ứ, khó lưu thông, điều tiết. Với những giải pháp thiết thực mà TP Hồ Chí Minh đưa ra, hy vọng trong việc vận chuyển hàng hóa đến và đi qua TP Hồ Chí Minh sẽ thuận tiện hơn, khắc phục được tình trạng mất cân đối hàng hóa giữa các địa phương.

Sáng 18-7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo, kết luận thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; xe phải được khử khuẩn, lái xe được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác... Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt. 

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯƠNG