Noi gương tiền nhân, đắp bồi đạo học

Độ lùi của thời gian càng xa, các giá trị càng được bồi đắp sâu gốc, bền rễ, trở thành bệ đỡ truyền thống vững chắc cho mục tiêu phát triển ổn định, bền vững của thành phố hôm nay. Một trong những giá trị văn hóa tinh thần vô giá do tiền nhân để lại, đó là đạo học.

Trải qua sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng, vùng đất Sài Gòn-Gia Định xưa, TP Hồ Chí Minh ngày nay, vẫn lưu giữ những công trình, di tích lịch sử văn hóa mà ở đó, đạo học như ngọn đèn soi sáng tâm trí cho muôn đời hậu thế.

leftcenterrightdel
 Công trình kiến trúc nổi bật của Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà, được người Pháp xây năm 1877, thu hút nhiều du khách tham quan mỗi ngày. Sau hơn trăm năm tồn tại, nhà thờ vẫn nguyên vẹn, giữ được nét đẹp riêng độc đáo. Ảnh: VnExpress.

Đình thần Chí Hòa nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, là chứng tích lịch sử văn hóa vật thể có niên đại cổ nhất ở Thành phố mang tên Bác hiện nay. Đây cũng là một trong những ngôi đình cổ nhất ở Nam Bộ còn giữ nguyên vẹn các hạng mục kiến trúc cổ. Ngôi đình là địa chỉ linh thiêng tôn thờ đạo học của người Sài Gòn-Gia Định xưa.

Đình được xây dựng từ buổi đầu khai khẩn vùng đất phương Nam để thờ phụng Thành hoàng theo tín ngưỡng dân gian. Đến giữa và cuối thế kỷ 18, bậc chí sĩ được nhân dân suy tôn là người thầy đầu tiên của đất Sài Gòn-Gia Định là cụ Võ Trường Toản, đã sử dụng nơi đây làm địa điểm dạy học. Thầy Võ Trường Toản vừa dạy chữ, dạy lễ nghĩa, vừa truyền cho học trò tinh thần yêu nước, thương nòi.

Những học trò xuất sắc của thầy Võ Trường Toản về sau đều là những bậc anh hùng hào kiệt, chí sĩ, văn nhân danh tiếng, có công lao đóng góp to lớn cho nước, cho dân như: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân, Huỳnh Mẫn Đạt, Hồ Huấn Nghiệp, Trương Định, Bùi Hữu Nghĩa, Học Lạc...

Chính ý thức tôn thờ đạo học và tinh thần tôn sư trọng đạo nên các thế hệ người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đều nâng niu, trân trọng, gìn giữ giá trị văn hóa thiêng liêng do cha ông để lại. Cùng với thờ Thành hoàng, đình còn có gian thờ thầy Võ Trường Toản và được người dân coi đó như một vị thần của đạo học. Những phong tục tín ngưỡng xa xưa, đến nay vẫn được bảo tồn, lưu truyền trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Hằng năm, vào dịp khai trường, mùa thi cử... đông đảo sĩ tử lại tìm về ngôi đình linh thiêng này để dâng hương, bái thầy Võ Trường Toản và các bậc hiền tài, như một cách để bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng vọng, trân quý đạo học. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hằng năm, thầy trò ở Thành phố mang tên Bác và du khách tổ chức các hoạt động về nguồn, đến đây tri ân công lao của người thầy đầu tiên trên đất Sài Gòn-Gia Định.

Xã hội văn minh đã và đang tiến những bước rất dài và rất xa so với thời thầy Võ Trường Toản dạy chữ, dạy người dưới mái đình đơn sơ, nhưng đạo học của con người trên vùng đất này thì không bao giờ mất. Mái đình cổ kính, rêu phong vô cùng nhỏ bé trước hàng loạt các công trình cao ốc chọc trời, nhưng khi đặt chân đến chốn thiêng liêng này, ai cũng chắp tay, cúi đầu thành kính. Mỗi đường nét, mỗi hiện vật rêu phong, nhẵn bóng màu thời gian ở đình thần Chí Hòa đều chứa đựng một phần linh khí ông cha, truyền đi thông điệp về đạo học, về tinh thần nghĩa hiệp, lòng yêu nước, thương nòi cho con cháu.

NGUYỄN TRẦN THẮNG