Dù hiện tượng triều cường không còn xa lạ với người dân TP Hồ Chí Minh, nhưng thông thường thì triều dâng kết hợp với mưa lớn, hoặc ít ra cũng là thời điểm thời tiết chuyển mùa, âm u. Triều cường dâng cao đến mức gây ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh giữa trời nắng chang chang, quả là hiếm. Bởi vậy, mặc dù đã có cảnh báo từ cơ quan khí tượng thủy văn, nhưng hàng trăm gia đình vẫn không tránh khỏi cảm giác bất ngờ, không kịp vận chuyển, kê kích đồ đạc, dẫn đến hàng loạt phương tiện, đồ dùng gia dụng bị ngập nước, hư hỏng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng triều cường xảy ra trong những ngày gần đây là hệ quả của quá trình biến đổi khí hậu. Diễn biến thời tiết cực đoan, bất thường ngày càng phổ biến, đặt cuộc sống của con người và xã hội vào những thử thách cam go. Hiện tượng triều cường dâng cao gây ngập lụt cục bộ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
    |
 |
Đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) bị ngập nặng trong đợt triều cường trung tuần tháng 11-2021. |
Ở một số thời điểm, triều cường kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập nặng trên diện rộng ở nhiều khu vực, nhất là vùng trũng, địa bàn ven các tuyến sông, kênh, rạch, như: TP Thủ Đức, quận 7, huyện Nhà Bè... Bên cạnh ngập lụt, giai đoạn từ nay đến giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự báo còn có hiện tượng mưa lớn kèm lốc xoáy xảy ra bất thường ở nhiều nơi, cảnh báo tình trạng sạt lở bờ sông, sụp đổ công trình, vỡ đê bao ở những địa bàn, khu vực xung yếu...
Ứng phó với thiên tai bất thường đòi hỏi phải xây dựng chiến lược, kế hoạch bài bản, tốn nhiều thời gian, kinh phí, nguồn lực. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai hàng chục dự án chống ngập, trong đó hệ thống công trình ngăn triều với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, huy động vốn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các công trình, dự án chống ngập đến thời điểm này vẫn chưa đáp ứng tiến độ.
Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi có mưa to, gió lớn, đề phòng tai nạn do gãy, đổ cây xanh. Những hộ dân trong các khu vực xung yếu, có nguy cơ ngập nặng khi triều cường dâng cao, nguy cơ sạt lở... cần tuân thủ nghiêm các quy định an toàn, phối hợp với lực lượng chức năng chủ động gia cố các tuyến đê bao, sẵn sàng di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Đặc biệt, trong thời điểm triều cường dâng cao, người dân không nên điều khiển phương tiện giao thông đi vào các tuyến đường bị ngập, dòng nước chảy mạnh, đề phòng bị cuốn vào hệ thống tiêu, thoát nước hoặc trôi ra sông, kênh, rạch... Các gia đình chú ý quản lý, bảo vệ trẻ em, người già, người tàn tật, bảo đảm an toàn khi triều cường dâng cao, dòng chảy mạnh...
Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ PHÚC