Chung sống an toàn với Covid-19 là để đưa đời sống kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Trong chiến lược ấy, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng. Muốn chung sống an toàn đòi hỏi phải có văn hóa sống chung, bắt đầu từ mỗi tế bào xã hội...
Nhắc chuyện “sống chung với lũ”
Thuật ngữ “sống chung” hay “chung sống” không còn xa lạ trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể, mục tiêu và giải pháp sống chung có sự khác biệt. Điểm chung nhất ở đây chính là chủ thể và đối tượng chung sống phải có sự tương đồng, chấp nhận lẫn nhau.
Khoảng 20 năm trước, khi miền Tây Nam Bộ liên tục xảy ra lũ lớn (thực chất là mùa nước nổi dâng cao bất thường gây nên tình trạng ngập lụt trên diện rộng), Chính phủ đã có chủ trương tổ chức cho dân “sống chung với lũ”. Thay vì cứ đến mùa nước nổi, dân ở các vùng trũng phải rồng rắn chạy lên các cù lao tránh lũ, thì các địa phương tổ chức xây dựng các cù lao ngay tại chỗ.
Thế là mô hình cụm, tuyến dân cư tránh lũ ra đời. Dân làm nhà cố định trên đó và tổ chức các hình thức sản xuất, khai thác, đánh bắt... ngay tại chỗ. “Nhất cử lưỡng tiện”, vừa bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của dân, vừa tiết kiệm công sức, nâng cao sản lượng lao động.
|
|
Ở những nơi tụ tập ăn nhậu đông đúc như thế này, rất cần các hình thức tuyên truyền, nhắc nhở người dân. (Ảnh chụp trên đường Cao Thắng, quận 10, TP Hồ Chí Minh). |
Mô hình “sống chung với lũ” thành công là bởi, người dân miền sông nước đã quá hiểu lũ, coi mùa nước nổi là tài nguyên. Họ biết tận dụng thế mạnh của lũ để khai thác tài nguyên và biết tránh những tác hại do lũ gây ra để chung sống an toàn, phát triển.
Vì hiểu lũ nên người dân miền Tây Nam Bộ đã có kỹ năng sống chung. Đời sống cộng đồng hình thành nên nền văn hóa sông nước, trong đó, văn hóa sống chung với lũ được hình thành, phát triển từ mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình...
Khác với đồng nước mênh mông ở miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi dâng cao, sự tấn công của đại dịch Covid-19 vào đời sống nhân dân hoàn toàn bất ngờ, mới mẻ và chưa từng có tiền lệ. Chính vì thế, mỗi người dân, mỗi gia đình hầu như chưa có bất cứ kỹ năng, kinh nghiệm gì trong việc sống chung.
Đó là cái khó!
Muốn sống chung an toàn, phải có văn hóa sống chung. Mà văn hóa thì lại được hình thành, phát triển từ thói quen. Muốn từ bỏ một thói quen cố hữu, phải có một hình thức thay thế tiến bộ hơn, có lợi hơn và quan trọng là được người dân tự giác đồng thuận.
Xây dựng văn hóa thích ứng, sống chung với Covid-19
Chủ trương chung sống an toàn với Covid-19 của Chính phủ, muốn thực hiện có hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, bên cạnh các giải pháp mang tính hành chính, cần phải đặc biệt coi trọng yếu tố văn hóa. Phải xây dựng cho được văn hóa thích ứng, văn hóa sống chung cho người dân, bắt đầu từ mỗi gia đình.
Những điểm nghẽn và sự bất cập trong chiến lược sống chung với Covid-19 hiện nay nằm ở thói quen sinh hoạt của người dân. Chúng ta luôn kêu gọi người dân không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch (PCD), vận động người dân thực hiện nghiêm quy định "5K" trong sinh hoạt, nhưng thực tế thì một bộ phận không nhỏ người dân vẫn phớt lờ.
Bằng chứng là hệ thống nhà hàng, quán nhậu, điểm vui chơi giải trí, không gian công cộng, chợ truyền thống, các tụ điểm kinh doanh ẩm thực đường phố... luôn đông nghịt khách. Cả chủ thể kinh doanh lẫn khách đến ăn nhậu đều vi phạm quy định "5K", dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhưng chính quyền và cơ quan chức năng rất khó để can thiệp và xử lý.
Mặc dù quy định của UBND TP Hồ Chí Minh đã nêu rõ, chỉ cho thực hiện thí điểm ở một số nơi, với công suất không quá 50%, giao chính quyền cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc quản lý, nhưng thực tế thì dịch vụ ăn nhậu đã và đang bị thả nổi, vượt khỏi tầm kiểm soát. Thực tế cho thấy có những lĩnh vực, những phân khúc trong chiến lược PCD, rất khó để can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Để xây dựng chiến lược chung sống an toàn với Covid, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, chúng ta phải coi trọng và tiến hành thường xuyên, sâu rộng, liên tục hơn nữa các giải pháp về văn hóa. Đây chính là gốc của vấn đề. Cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục, ở mọi nơi để xây dựng, hình thành thói quen, kỹ năng PCD, phẩm chất văn hóa chung sống cho người dân. Hình thức tuyên truyền bằng xe lưu động, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan... cần được triển khai đồng bộ, nhất là từ cơ sở.
Quy luật của tuyên truyền là “mưa dầm thấm lâu”. Nếu địa phương thụ động, chỉ trông chờ vào đài, báo, truyền thông... thì chưa đủ. Mỗi địa phương, mỗi địa bàn có những đặc điểm dân cư khác nhau. Lấy xã, phường, thị trấn, khu dân cư... làm nòng cốt tuyên truyền, chắc chắn sẽ tạo nên môi trường văn hóa, thói quen văn hóa mới.
Tinh thần, kỹ năng sống chung với Covid-19 phải được chuyển hóa thành thói quen, nhu cầu tự thân trong mỗi gia đình thì mới giúp người dân hạn chế tụ tập ăn nhậu, tự giác thực hiện quy định "5K". Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, đội ngũ cán bộ ở cơ sở cần chủ động, nhiệt huyết vào cuộc, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên và Chính phủ.
Thói quen không phải tự nhiên có, mà nó đến từ sự lặp đi lặp lại một hành vi. Khi hành vi đó hướng đến cái tốt, cái đẹp, cái có ích, thói quen ấy hàm chứa giá trị văn hóa.
Khi người dân thấu hiểu sâu sắc về Covid, hiểu về giá trị của sống chung, hiểu về trách nhiệm công dân với cộng đồng, xã hội, ắt sẽ có ý thức tiết chế thói quen tụ tập, ăn nhậu, chủ quan, lơ là PCD.
Bài và ảnh: NGUYỄN MINH THU