Truyền lửa đam mê
Kể từ mùa giải đầu tiên năm 2006 mang tên “Ngôi sao vọng cổ truyền hình” (sau đổi thành “Chuông vàng vọng cổ”), đến nay thương hiệu cuộc thi đã được khẳng định, ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm giám khảo “Chuông vàng vọng cổ”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ: "Chuông vàng vọng cổ đã trở thành sân chơi để nâng tiếng chuông ngân. Cái hay của cuộc thi là sau khi tìm kiếm được những giọng ca đoạt giải, HTV lại tiếp tục phát huy tài năng của những “chuông vàng”, “chuông bạc” này qua chương trình “Ngân mãi chuông vàng”. Đây là những hoạt động thiết thực để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương nói chung và vọng cổ nói riêng".
    |
 |
Một tiết mục biểu diễn của thí sinh tại Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" năm 2021.Ảnh: NGUYỄN THIỆN |
Trải qua 16 lần tổ chức cuộc thi, đã có hàng trăm “chuông vàng” được công nhận. Không ít trong số đó đã thành danh, tiếp tục “cháy” hết mình cho loại hình nghệ thuật yêu thích, cống hiến cho khán giả trên mọi miền Tổ quốc. Điển hình như: Võ Thành Phê (Long An, chuông vàng vọng cổ năm 2008), Nguyễn Thanh Toàn (Cà Mau, năm 2015), Quách Thị Diễm Ngọc (Tiền Giang, năm 2019), Nguyễn Quốc Nhựt (Long An, năm 2020)... Thực tế cho thấy, nhiều diễn viên chính của các đoàn cải lương khu vực miền Nam hoặc những tên tuổi diễn viên cải lương trẻ đang được công chúng yêu mến xuất thân từ "Chuông vàng vọng cổ", như: NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Nguyễn Thành Toàn, Võ Thành Phê, Võ Minh Lâm... Dù được học bài bản, là nghệ sĩ chuyên nghiệp hay “tay ngang” đam mê vọng cổ mà dự thi thì sau khi đăng quang chuông vàng vọng cổ họ đều như được tiếp thêm nghị lực để vững tin phát huy hết tài năng ca, diễn. Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Toàn (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) tâm sự: "Tôi từng đi làm nhân viên phục vụ ở các nhà hàng buổi tối để có tiền mưu sinh và học nghề. Vốn chỉ sở trường ở những vai diễn lão hoặc có tính cách hiền lành, nhưng khi tham gia Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ", lần đầu tiên tôi vào vai cá tính, tâm lý phức tạp và chuyển biến nhanh. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các huấn luyện viên, tôi đã tự tin nhập vai, thể hiện tốt nhân vật. Thành công của vai diễn giúp tôi mạnh dạn đảm nhiệm đa dạng vai diễn, trau dồi giọng ca để cống hiến hết mình cho người hâm mộ".
Đặc biệt, từ năm 2011, chương trình “Ngân mãi chuông vàng” đã trở thành sân diễn chuyên nghiệp cho các “chuông vàng”, “chuông bạc” thử sức với nhiều vở cải lương thuộc hàng “kinh điển”, hay những bài vọng cổ “khó nhằn”. Chẳng hạn như: Đường gươm Nguyên Bá, Nàng tiên Mẫu Đơn, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, Tiếng trống Mê Linh... Dù là thử sức nhưng họ đã không phụ công mài giũa của các nghệ sĩ gạo cội, trở thành lực lượng kế cận để tiếp nối, phát huy giá trị tinh túy của vọng cổ, cải lương trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh: Đội ngũ nghệ sĩ tuổi xế chiều đã truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ với mong muốn tiếng “chuông” vọng cổ, cải lương ngân vang hơn, xa hơn, diễn xuất điêu luyện hơn. Vấn đề là, tự thân lớp trẻ phải không ngừng trau dồi, nỗ lực vượt qua chính mình để ngày càng hoàn thiện, khẳng định bản thân trên con đường nghệ thuật.
Đổi mới để tìm kiếm tài năng
Nếu như mấy năm đầu, Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" thu hút khá đông thí sinh đăng ký tham gia thì vài năm gần đây con số này giảm đi đáng kể. Khán giả dường như cũng không đông như trước. Mổ xẻ nguyên nhân, nhiều nghệ sĩ thành danh cho rằng, sự tác động của các loại hình giải trí hiện đại phát triển mạnh mẽ khiến nghệ thuật truyền thống có phần lép vế. Cùng với đó, nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng ca trẻ ở các loại hình ca cổ, số thí sinh là gương mặt mới cũng khan hiếm dần. Điều này phản ánh thực trạng ngày càng thiếu những giọng ca trẻ có tố chất. Với cuộc thi đã tạo được thương hiệu như "Chuông vàng vọng cổ", thí sinh không đơn thuần là có một giọng ca trời phú mà trong chừng mực nào đó còn phải am hiểu nghệ thuật ca cổ và kỹ năng diễn tốt.
Bởi vậy, ban tổ chức, ban giám khảo Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" thường xuyên phải tìm cách đổi mới để “đãi cát tìm vàng”. Từ cách tổ chức thi, chấm giải, đưa thêm ban huấn luyện tham gia vòng chung kết xếp hạng để hỗ trợ thí sinh, hội đồng giám khảo chuyên môn đánh giá chất lượng thí sinh đêm chung kết xếp hạng đến yêu cầu cao đối với thí sinh trong phần ca và diễn... đều phản ánh những nỗ lực thay đổi của cuộc thi. Hai năm nay, "Chuông vàng vọng cổ" diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Một số vòng thi đã phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, ban tổ chức đã có nhiều sáng tạo để thu hút khán giả, livestream trên mạng xã hội, tăng tính tương tác với các vị khách mời... NSND Minh Vương, thành viên hội đồng giám khảo cho rằng: Đổi mới là yêu cầu tất yếu để Cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" hấp dẫn hơn, hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả và chọn được những tài năng đích thực. Song, mục tiêu lớn hơn mà cuộc thi hướng tới là nhằm gìn giữ một sân chơi bổ ích, nhiều ý nghĩa, bồi đắp niềm đam mê vọng cổ, cải lương và cung cấp nguồn nhân lực cho nghệ thuật truyền thống ngày càng phát triển.
TRẦN THỦY