Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết: Tủ sách Doanh nhân Việt Nam là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách của các tác giả là doanh nhân Việt Nam. Bước đầu, tủ sách có 15 tựa sách, mỗi tựa gồm 5 cuốn. Cùng với tủ sách ở đường sách, còn có 9 tủ sách doanh nhân đã được trao tặng đến các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân, tác giả cuốn sách “Mở cửa tương lai” nói: “Tôi rất vui khi sách do chính mình viết được đưa vào tủ sách doanh nhân để có thể lan tỏa những tâm huyết, kinh nghiệm, truyền cảm hứng đến với cộng đồng doanh nhân và các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa khởi nghiệp. Đọc sách là một kênh học hiệu quả để doanh nhân, doanh nghiệp cập nhật kiến thức tối ưu, chuyển đổi tư duy hoạt động đáp ứng với nhu cầu xã hội”.
|
|
Công bố tốp 10 cuốn sách đáng đọc dành cho doanh nhân trong Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2021. |
Trong hai năm qua, sự kiện Tuần lễ Doanh nhân và Sách được diễn ra tại đường sách TP Hồ Chí Minh và một số trường đại học không chỉ giúp doanh nhân tìm được những cuốn sách hay mà còn góp phần thúc đẩy doanh nhân viết, chia sẻ lại những bài học quý để trao đổi cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nhân trẻ.
Nhiều doanh nhân bày tỏ rằng, khác với các kế hoạch, con số, mục tiêu trong sản xuất, kinh doanh, viết sách chính là một cách học, giúp hệ thống lại kiến thức, kiểm soát cách tư duy, diễn đạt và có trách nhiệm truyền cảm hứng đến với người đọc. Tuy nhiên, một số doanh nhân cũng nhìn nhận rằng, việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp không hề dễ dàng.
Doanh nhân Nhan Húc Quân, tác giả cuốn sách “Phép màu để vượt lên chính mình”, chia sẻ rằng, Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo của bà mỗi năm, lãnh đạo cũng như nhân viên phải đọc ít nhất 4 cuốn sách, tặng sách nói cho các đối tác, khách hàng vào những dịp lễ, tết. Điều đó đã góp phần làm nên văn hóa doanh nghiệp, đưa văn hóa đọc vào việc đào tạo doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân sự, đánh giá hiệu quả công việc.
Tại lễ công bố 10 cuốn sách đáng đọc dành cho doanh nhân vừa qua trong "Tuần lễ Doanh nhân và Sách" năm 2021, các nhà sách, đơn vị phát hành cũng đề xuất, việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp đòi hỏi một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện. Doanh nhân không phải cứ viết, ra mắt nhiều sách là phát triển văn hóa đọc mà cần xây dựng hệ sinh thái trong doanh nghiệp gồm: Sách, không gian đọc, hình thức khuyến đọc, hoạt động trao đổi, thảo luận...
Doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Phát triển sách doanh nhân nhấn mạnh: Doanh nhân phải tiên phong trong phát triển văn hóa đọc ở doanh nghiệp, phải đưa chuyên môn, tay nghề, ý chí phát triển vào sách để truyền đến người lao động, giúp họ nâng cao tư duy, kỹ năng nhằm tối ưu hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Muốn văn hóa đọc trong doanh nhân, doanh nghiệp thật sự hiệu quả thì cần các hoạt động khuyến khích đọc, các cuộc thi, giao lưu đọc giữa các doanh nghiệp về sách hoặc chỉ số xếp hạng văn hóa đọc cho các doanh nghiệp... Cùng với đó, tủ sách doanh nhân bên cạnh hình thức truyền thống sẽ hướng đến xây dựng tủ sách điện tử, phục vụ đa dạng đối tượng bạn đọc.
Bài và ảnh: THƯ LÊ