Đây là chương trình lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và TP Hồ Chí Minh. Lễ hội đã trở thành một trong những sự kiện du lịch, văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách trong và ngoài nước.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/12/2022/03/12/vuhuyen/ao-dai.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Phụ nữ TP Hồ Chí Minh diễu hành với trang phục áo dài hưởng ứng lễ hội.Ảnh: THÀNH VINH. |
So với các lễ hội áo dài trước đây, năm nay các chương trình, hoạt động của lễ hội được mở rộng quy mô, đối tượng hưởng ứng và có nhiều điểm nhấn ấn tượng, thu hút khá đông nghệ nhân, nhà thiết kế nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia. Đặc biệt, người dân và du khách được chiêm ngưỡng 15 bộ sưu tập nổi bật của các nhà thiết kế nổi tiếng với hơn 300 mẫu áo dài được thể hiện theo 4 chủ đề: Cội nguồn, thăng hoa, hội nhập và thành phố tôi yêu. Riêng bộ sưu tập "Thành phố tôi yêu" có sự tham gia biểu diễn trang phục áo dài của hơn 100 văn nghệ sĩ thành danh. Lễ hội còn có sự đồng hành của hơn 20 nhà thiết kế, như: Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Liên Hương, Trisha Võ, Việt Hùng, Anna Hạnh Lê, Trung Đinh, Thuận Việt...
Một điểm nhấn khác là ở các công viên, khu du lịch, Ban tổ chức triển khai các chương trình diễu hành áo dài với chủ đề "Khát vọng hòa bình" với sự tham gia của hơn 2.000 phụ nữ mặc trang phục áo dài truyền thống. Tại các địa điểm: Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), công trình kiến trúc lịch sử... được tổ chức các khu triển lãm áo dài theo từng chủ đề: Áo dài xưa và nay, Áo dài gắn với nhân vật và sự kiện...; kết hợp biểu diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như quan họ, ví giặm, đờn ca tài tử... Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội còn phát động các nhà may, đơn vị bán vải và phụ kiện có chính sách giảm giá may áo dài với mức từ 5% đến 50% cho người dân và du khách...
Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận 11 cho biết: Ban Thường vụ Hội LHPN quận 11 hưởng ứng lễ hội áo dài với các hoạt động có chiều sâu, gắn với kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Cũng trong dịp này, Hội LHPN quận 11 phát động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia hưởng ứng hội thi Duyên dáng áo dài, Ảnh đẹp áo dài online, Đồng hành cùng áo dài Việt thông qua việc lựa chọn áo dài là trang phục chính trong quá trình làm việc và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng... Các hoạt động hưởng ứng còn bám sát chủ đề, tiêu chí thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ TP Hồ Chí Minh đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc”.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, hội viên phụ nữ phường 3, quận 11, chia sẻ: "Điều ý nghĩa nhất mà tôi cảm nhận được là lễ hội giúp chúng tôi biết trân trọng, gìn giữ nét văn hóa sử dụng áo dài trong các sự kiện, hoạt động và trong đời sống thường ngày. Áo dài ngày nay dù thiết kế cách tân nhưng vẫn giữ được nét truyền thống lâu đời, kín đáo, duyên dáng, thướt tha, giúp chúng tôi thêm tự tin, tự hào góp một phần nhỏ giữ gìn đặc trưng văn hóa trang phục truyền thống của dân tộc".
Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 8 tạo dấu ấn độc đáo, truyền cảm hứng về các giá trị nhân văn, lan tỏa tình yêu đối với áo dài, trang phục độc đáo trong đời sống của người Việt; đồng thời, tạo ấn tượng trong lòng du khách quốc tế. Lễ hội có nhiều hoạt động trình diễn áo dài ở tất cả các quận, huyện, cơ quan, đoàn thể và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố, lễ hội nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa và lan tỏa nét đẹp tà áo dài truyền thống Việt Nam gắn liền với cuộc sống, sản xuất, hoạt động văn hóa của người Việt, được quảng đại quần chúng nhân dân yêu thích và lựa chọn khi tham dự những sự kiện quan trọng.
Lễ hội áo dài năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước và TP Hồ Chí Minh đang ra sức khôi phục các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch; đời sống người dân đang trở lại trạng thái bình thường mới. Dấu ấn đặc sắc của lễ hội đã khẳng định quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong việc khôi phục và phát triển sau dịch Covid-19; giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về một TP Hồ Chí Minh năng động và hiện đại, nhưng vẫn luôn coi trọng giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, thực sự là một điểm đến hấp dẫn, an toàn trong hành trình trở thành “Đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á".
QUỲNH TRÂM