Gấp rút chỉnh trang

Hồ Con Rùa nằm ngay nút giao các trục đường Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần, Trần Cao Vân. Dự án cải tạo, chỉnh trang hồ Con Rùa do UBND quận 3 khởi công từ cuối tháng 4-2022. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tiến hành cải tạo, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường xung quanh hồ Con Rùa; giai đoạn 2 cải tạo phần lõi trung tâm, mặt nước của hồ Con Rùa (do Trung tâm Quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng thành phố đảm nhiệm).

Ở giai đoạn 1, với mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn tài trợ, xã hội hóa, dự án nâng cấp vỉa hè trên các trục đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Võ Văn Tần và vòng xoay Công trường Quốc tế, có tổng chiều dài 750m và bề rộng khoảng 6m. Cùng với cải tạo vỉa hè, quận 3 đầu tư lắp đặt ghế ngồi, tạo mảng xanh, sửa hố thoát nước mưa, bổ sung hệ thống chiếu sáng...

Theo ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 3, việc cải tạo, nâng cấp vỉa hè tạo thêm không gian mở, không gian công cộng cho người đi bộ xung quanh hồ Con Rùa; đồng thời làm thay đổi diện mạo đô thị, thuận tiện giao thông, đáp ứng mục tiêu phát triển khu vực này thành tuyến phố đi bộ vào ngày nghỉ cuối tuần cho người dân và du khách.

leftcenterrightdel
Công nhân đang gấp rút thi công vỉa hè dự án cải tạo hồ Con Rùa. 

Để hoàn thành chỉnh trang giai đoạn 1 trước ngày 2-9, bộ phận thi công được huy động làm việc với công suất tối đa, tập trung lát đá hoa cương, bó vỉa hè, thi công hố thoát nước, sửa chữa bồn cây hư hỏng, bố trí lại tủ điện, nắp cống... bảo đảm thẩm mỹ. Chính quyền quận 3 cũng vận động các hộ dân và chủ công trình xung quanh khu vực dự án cải tạo hàng rào, tường bao cho sạch đẹp, hài hòa với tổng thể chung. 

Dự thi công khẩn trương nhưng công tác kiểm tra, giám sát khá chặt chẽ để bảo đảm chất lượng công trình và yêu cầu bảo vệ hệ thống cây xanh tại các tuyến đường. Anh Cao Sỹ Huynh, cán bộ kỹ thuật thi công, chia sẻ: "Cảnh quan hồ Con Rùa đẹp, thiết kế độc đáo, gây ấn tượng với du khách và thu hút đông đảo người dân, nhất là sinh viên, thanh niên đến vui chơi buổi tối và cuối tuần. Do vậy, chúng tôi cố gắng thi công nhanh nhất nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, phấn đấu hoàn thành và bàn giao công trình đưa vào sử dụng trước ngày 2-9 sắp tới".

Tăng tiện ích, giữ nét xưa

Hồ Con Rùa tọa lạc gần Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, công viên 30-4, kết nối với công viên Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1)... tạo thành chu trình khép kín ở khu vực trung tâm thành phố. Vốn là khu vui chơi, giải trí khá đẹp và hấp dẫn nên dự án cải tạo, nâng tầm khu vực hồ Con Rùa thành phố đi bộ hạng sang, hoạt động từ 19 giờ đến 23 giờ ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn và nhân dân. Ông Phan Thế Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 cho biết: “Quận đã tính toán lập đề án quản lý, sử dụng lòng, lề đường làm bãi xe tự quản hoặc bãi giữ xe có thu phí; đồng thời dự kiến lắp một số nhà vệ sinh công cộng thông minh hoàn toàn tự động tại khu vực này để phục vụ nhu cầu của người dân khi đến vui chơi ở hồ Con Rùa”.

Đây cũng là vấn đề được người dân quan tâm, bởi nếu không có các tiện ích đi kèm và thiếu sự quản lý chặt chẽ sẽ không phát huy được tác dụng của công trình, thậm chí còn gây cản trở giao thông ở ngay nút giao trọng điểm.

Đối với việc bảo tồn vùng trung tâm hồ Con Rùa, trong bản thuyết minh dự án, UBND quận 3 khẳng định: Giai đoạn 2, việc trùng tu, cải tạo vùng lõi vẫn giữ lại, bảo tồn hiện trạng và phục dựng tốt hơn. Những kiến trúc mang giá trị nghệ thuật ở phần trung tâm hồ Con Rùa được giữ nguyên, bởi đây là điểm nhấn, mang nét độc đáo, hấp dẫn khách tham quan. Kiến trúc sư Du Thanh Minh, Giám đốc Chi nhánh quận 3 (Công ty Cổ phần Kiến trúc xây dựng Nhà Vui) cho rằng: “Phương án cải tạo vẫn giữ nguyên trạng vùng lõi là hoàn toàn hợp lý, không làm mất đi những đặc trưng nghệ thuật độc đáo của hồ Con Rùa. Do vậy, cần quy hoạch hạ tầng công năng phù hợp để sử dụng hiệu quả các hạng mục; bố trí thêm cây xanh ở vỉa hè và giảm bớt những thiết kế thừa hoặc ít công năng. Ngay từ đầu cần tính toán tổng thể công trình, dự báo xu thế và những yếu tố nảy sinh để có phương án xử lý tốt nhất. Song, vấn đề quan trọng là dù chỉnh trang ở cấp độ nào cũng cần lưu giữ nét xưa cả về kiến trúc, hình dáng, bố cục để không làm mất đi ý nghĩa lịch sử của một công trình đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Bài và ảnh: HOÀNG XUÂN