Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) được xem là đơn vị có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực, hiệu quả cao. Thầy Lưu Nguyễn Bình Khoa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo dục truyền thống cho học sinh là nội dung luôn được nhà trường quan tâm. Trong các năm học, ban giám hiệu đã chỉ đạo liên đội, đoàn trường và giáo viên tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh bằng những hình thức trực quan sinh động để giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập, nhất là học tập lịch sử dân tộc”.

leftcenterrightdel
Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tìm hiểu tư liệu lịch sử phát triển Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh trưng bày tại Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. 

Không chỉ là nghe giảng những kiến thức lịch sử trên lớp, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn còn được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước trong những buổi ngoại khóa hoặc các cuộc thi. Vào đầu năm học hay các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm các sự kiện lớn, như: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam..., thầy và trò nhà trường đều tổ chức tham quan một số di tích lịch sử trên địa bàn thành phố; tổ chức kết nạp đảng viên tại những địa danh, di tích lịch sử; giao lưu với nhân chứng cách mạng... Các hoạt động ý nghĩa, thiết thực của trường đã tạo sự rung động mạnh mẽ trong những trái tim non trẻ, giúp học sinh tự hào với lịch sử vẻ vang của dân tộc và thành phố anh hùng.

Không chỉ các trường học, đoàn thanh niên nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cũng tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống, tham quan di tích lịch sử, tổ chức cuộc thi tìm hiểu, viết cảm nhận sau khi tham quan di tích... Chính những hoạt động sôi nổi, ý nghĩa này đã góp phần khắc phục tình trạng một số bạn trẻ sống thực dụng, thiếu lý tưởng, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, xa rời truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc...

Gần đây, hoạt động tuyên truyền, kể những câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giờ chào cờ sáng thứ hai đầu tuần được nhiều cơ quan, đơn vị, nhà trường, địa phương thuộc TP Hồ Chí Minh áp dụng đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh... Anh Phạm Minh Trí, cán bộ đoàn thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Mặc dù thời gian tuyên truyền dưới cờ chỉ trong khoảng 5 đến 7 phút nhưng nội dung rất thiết thực, hữu ích, truyền tải thông điệp rõ ràng theo chủ đề nhất định, giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, bồi đắp ý chí phấn đấu vươn lên học tập, tu dưỡng, làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, để công tác giáo dục truyền thống thêm ý nghĩa, các cấp, các ngành, nhất là tổ chức đoàn và trường học trên địa bàn thành phố cần đa dạng hình thức tuyên truyền sinh động, trực quan; tích cực sân khấu hóa, tổ chức tọa đàm, giao lưu, tham quan di tích... nhằm khơi dậy ý thức tự tôn, tự hào dân tộc trong học sinh, thanh niên; tăng cường phối hợp giữa các đoàn, hội, nhà trường với cơ quan quản lý di tích, địa danh để hiệu quả tuyên truyền, giáo dục ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Bài và ảnh: YẾN LONG