Hiện nay, Củ Chi đã trở thành huyện NTM. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển đô thị sinh thái, vành đai xanh của TP Hồ Chí Minh.
Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao, tạo sự phát triển bền vững cho vùng cửa ngõ tây bắc thành phố. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: Phát huy truyền thống huyện hai lần được tặng danh hiệu anh hùng, ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện đã thống nhất chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thay thế cho nông nghiệp quảng canh năng suất thấp; tạo thuận lợi cho các mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
    |
 |
Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ở Củ Chi. |
Thực hiện chủ trương đó, nhiệm vụ xây dựng NTM ở Củ Chi hướng mạnh về cơ sở, tập trung hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, công trình phục vụ dân sinh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tìm tòi, đầu tư phát triển mô hình kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật... Theo đó, các mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; trang trại nuôi bò sữa quy trình khép kín; trồng dưa lưới năng suất cao; trồng dưa leo sử dụng lưới chống côn trùng... đã ra đời, làm đổi thay diện mạo vùng ven. Điển hình là nhà vườn trồng dưa lưới của anh Phương Tùng, ở xã Bình Mỹ. Từ kiến thức và số vốn ban đầu, anh quyết định trồng dưa lưới Ichiba, một trong 4 loại dưa nổi tiếng tại Nhật Bản, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ để làm giàu. Đến nay, sau khoảng 5 năm, anh đã có gần chục nhà vườn dưa lưới với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hay, vườn dưa leo có lưới chống côn trùng, sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động của anh Lê Lý Thể Phúc, ở xã Tân Thông Hội, cũng cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm. Mô hình này được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế lớn, dễ nhân rộng, chi phí thấp.
Đặc biệt là mô hình trồng hoa lan kết hợp du lịch sinh thái của gia đình chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (xã An Nhơn Tây). “Vườn lan huyền thoại” của gia đình chị đã phát triển thành hợp tác xã hoa lan quy mô hàng chục héc-ta với hơn 20 thành viên, trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch. Chị Huyền cho biết, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, bình quân mỗi tháng, vườn lan đón khoảng 10 đoàn khách, với hơn 200 người đến tham quan. Vườn lan này đã tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho hàng chục hộ gia đình ở xã An Nhơn Tây...
Ngoài ra, còn khá nhiều mô hình kinh tế tiền tỷ ở các xã, ấp trên địa bàn huyện Củ Chi. Những mô hình này được ngành khuyến nông huyện tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để phổ biến cách thức làm ăn cho các hộ gia đình. Theo đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy Củ Chi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Củ Chi nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu về nông nghiệp tăng bình quân 5,21%/năm, cơ cấu đạt 5,3%. Huyện tập trung quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, chú trọng khuyến nông, bảo vệ thực vật và khuyến khích các mô hình kinh tế phù hợp... để thực hiện thắng lợi chương trình, mục tiêu xây dựng NTM và NTM nâng cao.
THÙY VÂN