Theo thống kê, Cần Giờ hiện có 16 mô hình NTTS, trong đó có 3 mô hình được đánh giá là bền vững, có thể nhân rộng (nuôi tôm sú sinh thái-đầm đập, nuôi hàu và cá dứa); 6 mô hình tương đối bền vững (sò huyết, nghêu, tôm thẻ bán thâm canh, cua biển, cá nâu, tôm sú). Ngoài ra, có 4 mô hình ít bền vững gồm tôm thẻ thâm canh, tôm sú thâm canh, cá chim, tôm thẻ siêu thâm canh; 3 mô hình không bền vững (cá bớp, ốc hương và cá chẽm). 

Ông Lê Văn Được, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ cho biết: “Trong số các mô hình NTTS của huyện, có nhiều mô hình nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao nên sản lượng tốt, ít hư hại, cho thu nhập bình quân cao. Trong đó, nuôi hàu được nhiều hộ dân thực hiện hiệu quả ở khu vực ven biển”.

leftcenterrightdel
 Nuôi hàu - một mô hình kinh tế hiệu quả ở Cần Giờ. 

Cần Giờ hiện có khu vực NTTS tập trung 450ha tại khu Bao Đồng-Vàm Sát. Huyện đã nạo vét hệ thống kênh bao quanh dự án, xây dựng hệ thống cống cấp, thoát nước, nâng cấp các tuyến đê, bảo đảm cấp, thoát nước phục vụ sản xuất NTTS; đồng thời đầu tư hệ thống điện sản xuất; cải tạo, nâng cấp lưới điện 3 pha phục vụ NTTS của các hộ sản xuất trong khu vực Bao Đồng-Vàm Sát, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho hoạt động sản xuất tại khu vực.

Tuy nhiên, ngoài những hộ NTTS ứng dụng công nghệ cao, vẫn còn tình trạng nông dân sản xuất tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, thiếu ổn định nên tính cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Không ít hộ dân chuyển đổi và khai thác các diện tích đất nông nghiệp sang nuôi tôm nhưng thiếu đầu tư kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, bị thiệt hại do dịch bệnh... Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp của huyện đã tham mưu giúp UBND huyện Cần Giờ chỉ đạo xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm nước lợ, cá dứa, hàu... để ổn định đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất; phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng tầm giá trị thủy sản Cần Giờ...

Mới đây, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, tập trung phát triển đối với sản phẩm chủ lực có năng suất và giá trị kinh tế cao... Theo ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ: Chủ trương phát triển thủy sản được lãnh đạo huyện triển khai sâu rộng, toàn diện, bảo đảm vừa tái tạo nguồn lợi thủy sản vừa xây dựng được thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, gắn với cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới và phát triển an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN