Theo thống kê, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân trong giai đoạn năm 2015-2020 là 7,34%. Năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP Hồ Chí Minh đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch năm 2020, vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030. Với tốc độ phát triển như vậy, hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng cảng biển đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, tập trung cho cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác bãi cảng và dịch vụ logistics. Đối với việc đầu tư cảng mới Cần Giờ, thành phố cần có chiến lược, tầm nhìn lâu dài, dự báo khả năng phát triển để điều chỉnh kịp thời. Trong đó, cần phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ cầu cảng, kho bãi theo quy hoạch, hiện đại hóa thiết bị bốc dỡ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giao-nhận hàng hóa, giảm thời gian hàng hóa thông qua cảng, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác, đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu trong tương lai.

leftcenterrightdel
Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: hcmcpv.org.vn

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông cần có sự đầu tư thích đáng, kết nối thuận tiện với các khu vực và bảo đảm chất lượng các tuyến đường. Thực tế từ cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) cho thấy, sự phát triển khá nhanh của cảng này đã tạo ra điểm nóng về giao thông cho khu vực đông bắc thành phố, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Vì thế, nhu cầu làm tuyến đường nối cảng Cát Lái-Phú Hữu đến cao tốc Long Thành-Dầu Giây, vành đai 3 nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa và giảm ùn tắc khu vực cảng biển đã trở nên cấp thiết.

Cùng với đề xuất đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ngay từ bây giờ, thành phố cần chuẩn bị các phương án phát triển hệ thống hạ tầng kết nối bảo đảm đầy đủ với tầm nhìn dài hạn. Trong quy hoạch cần dự kiến quỹ đất cho hạ tầng giao thông; tổ chức phân luồng trên các tuyến sông lớn nối đến cảng; có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trên địa bàn; tích hợp quy hoạch phát triển giao thông vận tải trong quy hoạch vùng, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch phát triển vùng Đông Nam Bộ... để tạo tiền đề phát triển cảng biển TP Hồ Chí Minh trong tương lai.

NAM AN