Chính quyền, các ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã huy động tổng lực, triển khai nhiều biện pháp, quyết liệt chống dịch theo phương châm: Giám sát rộng, phong tỏa hẹp, truy vết nhanh và đã kiểm soát, khống chế dịch thành công.
Chủ động giám sát, truy vết thần tốc ngăn chặn chuỗi lây nhiễm
Ngay khi ổ dịch ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh bùng phát, TP Hồ Chí Minh đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời triển khai chặt chẽ các quy định an toàn phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu. Ca nhiễm 1979 đã được phát hiện kịp thời, truy vết chuỗi lây liên quan. Theo đó, lãnh đạo và ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã ngay lập tức triển khai truy vết thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng, triệt để phong tỏa hẹp các địa bàn, điểm đến của các ca nhiễm Covid-19. Toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất và những người liên quan được lấy mẫu xét nghiệm với tổng số hơn 5.600 trường hợp. Các nhân viên sân bay đều phải lấy mẫu xét nghiệm xác định âm tính với Covid-19 mới được làm việc.
|
|
Nhân viên y tế TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại các điểm phong tỏa. |
Chỉ trong 3 ngày, 35 điểm liên quan đến các ca Covid-19 diện F0 và F1 ở TP Hồ Chí Minh đều được phong tỏa, xét nghiệm để sàng lọc. Đã có 1.570 trường hợp F1 được cách ly, cùng 1.376 ca F2 được xét nghiệm, đều cho kết quả âm tính. Tổng rà soát cộng đồng mở rộng các điểm dịch tễ liên quan đến bệnh nhân và lấy 9.864 mẫu, tất cả đều âm tính. Cũng liên quan đến ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác định, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã nhanh chóng triển khai phong tỏa các khu vực, khoa khám bệnh, cách ly các trường hợp y sĩ, bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân số 1979, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, y sĩ, bác sĩ bệnh viện, tất cả đều có kết quả âm tính. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến ngày 20-2, TP Hồ Chí Minh đã có 9 ngày không phát hiện ca nhiễm mới, ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm giám sát Covid-19 trong cộng đồng với hơn 40.000 mẫu, đang cách ly tập trung 1.797 người, cách ly tại nhà và nơi lưu trú 1.100 người.
Quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm
Đồng chí Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trong đợt phát hiện ổ dịch và triển khai công tác PCD lần này, thành phố đã phát huy được bài học kinh nghiệm từ hai đợt PCD trước đây và có hàng loạt giải pháp kịp thời, mang tính sáng tạo. Ngay cả khi chuỗi lây nhiễm từ sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát, lãnh đạo thành phố vẫn tiếp tục triển khai xét nghiệm giám sát, xét nghiệm ngẫu nhiên ở những nơi có nguy cơ cao, không đợi có ca bệnh mới xét nghiệm". Thời gian trước, trong và sau Tết, tính đến ngày 20-2, TP Hồ Chí Minh đã xét nghiệm khoảng 45.000 mẫu cho các đối tượng liên quan, có nguy cơ cao tại các khu công nghiệp, chợ đầu mối, chợ, siêu thị, bến xe, ga tàu hỏa, khu nhà trọ... Từ ngày 9-2, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động có từ 20 người trở lên. Tối 19-2, khi phát hiện có hàng trăm người đến chùa Viên Giác, quận Tân Bình tham dự lễ Kỳ An Hội gây nguy cơ lây lan dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu cơ sở tôn giáo này tạm ngưng hoạt động và tiến hành khử khuẩn, đánh giá an toàn phòng dịch, rồi mới cho phép hoạt động trở lại.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác chăm lo Tết Tân Sửu 2021, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 TP Hồ Chí Minh đánh giá: Tết Tân Sửu 2021 là Tết đặc biệt, đón Tết trong điều kiện dịch Covid-19 có nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngành chức năng thành phố đã thần tốc phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh bằng nhiều giải pháp, thực hiện nghiêm thông điệp "5K", người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng... Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức PCD đến từng khu phố, cụm dân cư, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định PCD.
Ngay sau Tết cũng là thời điểm người lao động, học sinh, sinh viên về quê trở lại thành phố làm việc, học tập, nên thành phố tiếp tục yêu cầu khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm người đến từ vùng dịch. Thành phố kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng, điều trị của ngành y tế, nâng cao cảnh báo PCD, nhanh chóng thần tốc điều tra truy vết F1, F2, điều tra truy vết, khoanh vùng dịch tễ, xét nghiệm có kết quả trong vòng 24 giờ... Tối 19-2, UBND TP Hồ Chí Minh cũng ban hành công văn khẩn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch Covid-19, không được chủ quan, lơ là trong PCD, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống người dân được bảo đảm tốt.
Bài và ảnh: BẢO MINH