Theo số liệu thống kê cho thấy, hóa đơn tiền nước với lượng tiêu thụ bằng 0m3 hoặc tiêu thụ từ 1m3 đến 4m3/tháng tập trung chủ yếu ở các khu vực vùng ven như huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12...

Nguyên nhân chủ yếu của việc người dân không sử dụng nước sạch là sự dễ dàng trong khai thác nước ngầm, thói quen sử dụng nước ngầm đã có từ lâu và chi phí sử dụng nước ngầm thấp hơn sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, chất lượng nước và áp lực nước ở những khu vực cuối nguồn chưa được ổn định cũng là nguyên nhân dẫn đến người dân có tâm lý e ngại khi chuyển sang sử dụng nước sạch.

leftcenterrightdel
Công nhân trám lấp giếng khoan khai thác nước ngầm trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. 

Đánh giá về tác hại của việc khai thác nước ngầm, TS Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu khai thác quá nhiều, tập trung một chỗ sẽ làm hạ thấp mực nước. Tình trạng này dẫn đến một số vấn đề liên quan như sụt lún mặt đất ở khu vực các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè... với tốc độ sụt lún gia tăng. Bên cạnh đó, khai thác nước ngầm quá mức với nhiều lỗ giếng khoan sẽ làm ô nhiễm nước từ trên bề mặt thấm xuống các tầng nước sâu hơn.

Nhìn nhận ở góc độ sức khỏe, ông Đào Phú Khánh, Phó trưởng khoa Sức khỏe y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông tin, qua kiểm soát và đánh giá chất lượng nước giếng khoan thì có 70% giếng của người dân không đạt các chỉ tiêu an toàn khi sử dụng. Từ đó, việc sử dụng nước ngầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các bệnh cấp tính hoặc mạn tính như: Thương hàn, gan, thận, ung thư...

Xác định việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước an toàn là nhiệm vụ trọng tâm, Sawaco và các đơn vị cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận, huyện và TP Thủ Đức (trừ huyện Củ Chi) với hơn 1,5 triệu đồng hồ nước. Hiện tại, Sawaco đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, bảo đảm cấp nước an toàn liên tục, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu mét khối/ngày đêm lên 2,9 triệu mét khối/ngày đêm, giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống còn 17,5%.

Thời gian tới, ngành cấp nước thành phố chú trọng công tác khảo sát nhu cầu sử dụng nước trong khu vực, xác định tiêu chí chỉ gắn đồng hồ nước cho những khách hàng thật sự có nhu cầu sử dụng nước sạch. Cùng với đó, phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình vận động người dân sử dụng nước sạch, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát. Mới đây, Sawaco đã phối hợp với Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ-Thành đoàn TP Hồ Chí Minh khởi động chuỗi chương trình tuyên truyền “Sử dụng nước sạch và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố”. Chuỗi chương trình thực hiện đến tháng 10-2022 dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh và người dân để tìm hiểu về sử dụng nước sạch, hạn chế khai thác nước ngầm; đồng thời kết nối, tư vấn, hướng dẫn trực tuyến cho người dân về tác hại của việc khai thác và sử dụng nước ngầm.

Theo ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Sawaco, đơn vị xây dựng phương án giảm giá nước để khuyến khích người dân sử dụng nước sạch nhằm giảm tỷ lệ hóa đơn có lượng tiêu thụ từ 0 đến 4m3. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho phép Sawaco được thỏa thuận với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp áp dụng mức giá phù hợp để tăng tỷ lệ sử dụng nước máy. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt công tác phát triển mạng lưới, phát triển khách hàng, bảo đảm tỷ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.

Bài và ảnh: ANH DŨNG