Hiện nay, nền tảng cơ bản của thể thao chuyên nghiệp không chỉ là môi trường hoạt động, các giải đấu mà còn thúc đẩy những sản phẩm, dịch vụ như du lịch, quảng cáo, truyền hình... cùng phát triển. Ngoài các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, nhà quản lý TDTT, rất cần lực lượng nhân sự là các chuyên gia KTTT. Trên thực tế, một số trường đại học đã có ngành Quản lý TDTT và có trường chuyên về TDTT, nhưng chỉ cung cấp các kiến thức về quản lý chuyên ngành chứ chưa thực sự đào tạo về kinh tế mang tính đặc thù của TDTT.
Sinh viên theo học ngành KTTT tại Trường Đại học Hoa Sen sẽ được đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn để hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình thể thao hiện đại, biết về cách thức vận hành và quản lý trong lĩnh vực KTTT. Đồng thời, vận dụng kỹ năng liên quan đến quản trị, tiếp thị, tài chính và kinh tế trong các lĩnh vực kinh doanh thể thao, cũng như lập kế hoạch kinh doanh, quản lý các mô hình hoạt động KTTT... Với chương trình đào tạo 3,5 năm và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành KTTT có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TDTT, trường học, trung tâm TDTT, câu lạc bộ TDTT.
    |
 |
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đánh giá về ngành kinh tế thể thao tại lễ ra mắt. |
Đánh giá về ngành học này, ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bên cạnh quản lý nhà nước về TDTT, rất cần có những chương trình, dự án thúc đẩy phát triển KTTT. Trong đó, Nhà nước không trực tiếp kinh doanh mà giữ vai trò định hướng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, quản lý, giám sát, điều chỉnh các hoạt động kinh doanh theo pháp luật. Để đạt được vấn đề này, cần có những chuyên gia KTTT, nghĩa là đội ngũ tính được những "bài toán" kinh tế trong thể thao. Do vậy, KTTT là ngành học đón đầu xu thế nhu cầu về nguồn nhân lực của các thị trường kinh tế trong TDTT ở Việt Nam”.
Theo các chuyên gia thể thao, ngành học KTTT sẽ tạo luồng sinh khí mới thúc đẩy TDTT phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Tuy vậy, cần có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ giữa nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, trung tâm TDTT... trong việc bảo đảm "lý thuyết đi đôi với thực hành" cho sinh viên. KTTT là ngành học mới nhưng vẫn kế thừa nền tảng từ quản lý TDTT gắn với tư duy, cách tiếp cận về kinh tế trong thể thao nên sẽ khuyến khích nhiều loại hình dịch vụ phát triển như: Du lịch thể thao, kinh doanh thể thao giải trí-sức khỏe, kinh doanh truyền thông thể thao... PGS, TS Võ Thị Ngọc Thúy, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nhấn mạnh, KTTT là ngành đầu tiên, duy nhất có tại nhà trường được đào tạo ở bậc cử nhân, cung cấp cho người học những kiến thức và phát triển kỹ năng quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại. Đồng thời, rèn luyện thái độ nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến KTTT về quản lý loại hình kinh doanh thể thao, chăm sóc sức khỏe, quản trị truyền thông, marketing thể thao.
Bài và ảnh: LÊ TRẦN