Năm nay, triển lãm tranh dân gian diễn ra tại huyện Hóc Môn mang đến những hiểu biết mới cho học sinh, thiếu niên, nhi đồng về thể tài tranh dân gian gắn liền với nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
|
|
Nhiều loại tranh dân gian được trưng bày tại Hóc Môn phục vụ khách tham quan. |
Một trong những bức tranh thu hút đông đảo người xem là tranh đàn gà mẹ con, thuộc dòng tranh Đông Hồ, mang chủ đề chúc tụng. Giải thích ý nghĩa của bức tranh cho khách than quan, đại diện Đoàn Thanh niên Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho hay: "Bức tranh có 1 gà mẹ ở chính giữa và 10 gà con, bố trí hài hòa, cân đối ở 4 phía và bên trong, bên ngoài. Con số 10 là con số đỉnh điểm của sự tròn đầy, chuyển tải thông điệp của sự vẹn tròn, đủ đầy, hạnh phúc".
Nhiều bức tranh dân gian khác như: Đàn lợn, đàn chuột, cậu bé chăn trâu thổi sáo, hội làng... cũng mang những ý nghĩa sâu sắc, phản ánh vẻ đẹp của con người, làng quê Việt Nam. Các trò chơi vui ngày xuân như bịt mắt bắt dê, đánh đu, đấu vật... cũng được thể hiện trong những tác phẩm tranh dân gian trưng bày tại huyện ngoại thành Hóc Môn.
Chị Trần Thị Thanh Huyền, Bí thư Huyện đoàn Hóc Môn, Giám đốc Nhà thiếu nhi huyện chia sẻ: “Tranh dân gian có nét vẽ giản dị, trong sáng, khoáng đạt chứ không cầu kỳ. Việc dùng màu sắc trong tranh cũng có ý nghĩa riêng và phải phù hợp với mỗi đề tài khác nhau. Chẳng hạn như: Nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận, bực bội, ngột ngạt của không khí lúc đó; nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày Tết; nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình... Tìm hiểu những ý nghĩa này giúp chúng tôi chỉ đạo giáo viên của nhà thiếu nhi vận dụng trong quá trình giảng dạy thẩm mỹ nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng”.
Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang lưu giữ khá nhiều bức tranh tiêu biểu cho từng dòng tranh, phục vụ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu nghệ thuật dân gian của các tầng lớp nhân dân, sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố. Ngoài trưng bày tại bảo tàng, các cuộc trưng bày lưu động cũng được tổ chức ở nhiều địa phương, trường học, khu dân cư... theo từng chuyên đề, được chọn lọc kỹ lưỡng.
Em Nguyễn Thị Cẩm Vân, học sinh Lớp 9/2, Trường THCS Tân Xuân (huyện Hóc Môn) tâm sự: “Tham quan các tác phẩm tranh dân gian đặc sắc, chúng em thêm hiểu về các dòng tranh nổi tiếng của dân tộc; đồng thời, những bức tranh dân gian rất gần gũi với văn hóa, làng quê Việt Nam khơi dậy trong mỗi chúng em tình yêu quê hương, đất nước, bồi đắp tình cảm thân thương, gắn bó trong đời sống cộng đồng”.
Bài và ảnh: CHÂU GIANG