Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh năm 2020 có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về việc phát huy giá trị của lễ hội, lan tỏa giá trị văn hóa đọc trong những ngày Tết đến, xuân về.
Phóng viên (PV): Thưa ông, qua 10 năm tổ chức, Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh đã mang lại những giá trị như thế nào cho văn hóa đọc của thành phố?
Ông Từ Lương: Từ khi ra đời năm 2011, Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh mang một sứ mệnh quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc và lan tỏa nét văn hóa đẹp ngày xuân thông qua những trải nghiệm đọc sách và các hoạt động văn hóa, giải trí ý nghĩa cho người dân thành phố. Lễ hội Đường sách Tết giới thiệu đến bạn đọc hơn 50.000 đầu sách mỗi năm và 65.000 đầu sách sẽ được các đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu trong lễ hội lần thứ 10 Xuân Canh Tý-năm 2020. Doanh thu từ Lễ hội Đường sách Tết mỗi năm 3-4 tỷ đồng, cho thấy du khách và người dân thành phố không chỉ dạo chơi vui xuân thưởng lãm mà còn tìm cho mình những quyển sách hay, ý nghĩa để nâng cao trí tuệ, tri thức và kỹ năng sống. Với việc đa dạng hóa các đầu sách và tài liệu, hứa hẹn lễ hội năm 2020 sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều lựa chọn và trải nghiệm thú vị.
|
|
Người dân và du khách tham quan Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh năm 2019. |
PV: Những dấu mốc nào thể hiện sự phát triển qua chặng đường 10 năm của lễ hội, thưa ông?
Ông Từ Lương: Lễ hội Đường sách Tết được sự chấp thuận của UBND thành phố và lần đầu tiên được tổ chức từ năm 2011 với chủ đề “Ước mơ”, mong muốn mang đến cho người dân một không gian tri thức trong những ngày xuân bên cạnh việc thưởng lãm đường hoa Nguyễn Huệ. Từ đó đến nay, đều đặn vào dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội Đường sách Tết được tổ chức và trở thành không gian vui chơi quen thuộc không thể thiếu của người dân thành phố và du khách. Năm 2015, đánh dấu bước phát triển 5 năm của lễ hội với những hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ về lịch sử, văn hóa của TP Hồ Chí Minh và tuyên truyền về biển, đảo thiêng liêng. Năm 2020, Lễ hội Đường sách Tết chính là hành trình hội tụ tri thức và nhìn lại những dấu ấn nổi bật của lễ hội mang lại cho người dân thành phố sau 10 lần tổ chức.
PV: Những điểm nổi bật nào sẽ diễn ra tại Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh năm Canh Tý 2020?
Ông Từ Lương: Năm 2020 đánh dấu cột mốc 10 năm Lễ hội Đường sách Tết với nhiều nội dung đặc sắc và nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 28-1 tại tuyến đường Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế (quận 1). Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), tại lễ hội sẽ diễn ra triển lãm với chuyên đề “Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc (1930-1975)", triển lãm "Nhà giàn DK1-30 năm thành đồng trên biển", triển lãm báo Xuân với sự tham gia của hơn 100 cơ quan báo chí của thành phố và 16 cơ quan báo chí Trung ương với những thiết kế đẹp mắt và những bài báo Xuân đặc sắc dành riêng cho dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, không gian "Bầu trời tri thức" sẽ có 1.500 mô hình quyển sách với nhiều kích thước khác nhau được treo trên cao, phát sáng ban đêm, sẽ là điểm nhấn mới lạ thu hút sự chú ý của người dân và du khách khi đến với lễ hội.
PV: Trưng bày tài liệu, sách, hiện vật về chủ quyền biển, đảo là mảng không thể thiếu tại lễ hội, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tuyên truyền cũng như sự đón nhận của công chúng?
Ông Từ Lương: Chủ đề chủ quyền biển, đảo tại lễ hội đã không còn xa lạ với người dân trong và ngoài nước. Việc trưng bày tài liệu, sách và hiện vật về chủ quyền biển, đảo là góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu nhi trong gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2020, tại lễ hội, lần đầu tiên sẽ có mô hình nhà giàn DK1 được tái dựng hoàn toàn dựa theo các chi tiết thực tế với tỷ lệ khá lớn kèm theo những hình ảnh, phim tư liệu sống động được ban tổ chức phối hợp với Báo Tuổi Trẻ cùng một số đơn vị thực hiện, tập hợp. Qua đó, du khách trong và ngoài nước sẽ hiểu hơn về hoạt động, cuộc sống, sinh hoạt của những cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đầy gian khổ nhưng rất kiên cường, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
PV: Mở ra chặng đường mới, Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh sẽ có những định hướng tổ chức như thế nào?
Ông Từ Lương: Lễ hội Đường sách Tết TP Hồ Chí Minh đã đạt thành công nhất định trong những năm qua, tiếp tục đặt ra yêu cầu cao trong công tác lập kế hoạch và tổ chức những lần tiếp theo. Trong đó, xu hướng phát triển công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh sẽ là ý tưởng tốt cho những năm tiếp theo. Lễ hội sẽ tiếp tục khẳng định là hoạt động ý nghĩa, gắn liền với nét đẹp văn hóa du xuân, văn hóa đọc sách của người dân và phải mới mẻ để thu hút thật nhiều người đến tham quan, thưởng lãm và thật sự hài lòng với lễ hội. Chẳng hạn, lễ hội năm nay, bên cạnh đa dạng các đầu sách, sẽ có thêm hoạt động tương tác với các đối tượng là người trẻ và nhóm gia đình. Công tác tổ chức cũng cập nhật các yếu tố công nghệ mới như các màn hình tương tác, sách và tài liệu không còn là những con chữ khô khan mà sẽ được sinh động hóa, hiện đại hóa. Người dân thành phố và du khách hãy đến trải nghiệm và cảm nhận sự thú vị tại Lễ hội Đường sách Tết năm 2020.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HÙNG KHOA (thực hiện)