Đến Tiểu đoàn Kiểm soát Quân sự (KSQS) 31 vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, chúng tôi thấy bộ đội đọc sách tại phòng Hồ Chí Minh, trên các băng ghế xung quanh đơn vị và cả trên giường nghỉ. Đại úy Trần Phong Phú, Chính trị viên tiểu đoàn, Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn KSQS 31, chia sẻ: “Mô hình "Mỗi ngày một trang sách" là hoạt động nâng cao việc đọc sách, báo trong đơn vị, đưa việc đọc sách đi vào thực chất, đưa sách đến gần hơn với cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt là định hướng cho thế hệ trẻ trong quá trình tiếp cận các sản phẩm của văn hóa đọc, nên lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt để đọc”.

leftcenterrightdel
Bộ đội Tiểu đoàn KSQS 31, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh tìm đọc sách tại phòng Hồ Chí Minh. 
Đơn vị phát động cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày dành thời gian đọc ít nhất từ một trang sách trở lên. Bộ đội có thể tự đến tủ sách đọc hằng ngày hoặc có thể đăng ký với cán bộ quản lý để mượn sách về đọc. Trong giờ sinh hoạt Đoàn, văn hóa văn nghệ hằàng tuần, các chi đoàn sẽ tổ chức giới thiệu một cuốn sách và từng phân đoàn cử người để giao lưu, kể những câu chuyện hay, tâm đắc từ quyển sách đã đọc. Trong các buổi tọa đàm, diễn đàn thanh niên, ngày sinh hoạt chính trị văn hóa tinh thần, bộ đội cũng có thể kể chuyện từ sách. Từ cách làm đó, các buổi sinh hoạt của đơn vị trở nên sôi nổi, thu hút hơn.

Chọn cho mình cuốn sách “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954” do GS, TS Nguyễn Thị Côi chủ biên, Hạ sĩ Lê Công Danh, Tiểu đội 5, Trung đội 6, Đại đội 3, Tiểu đoàn KSQS 31 bộc bạch: “Trước khi đi bộ đội, tôi rất lười đọc sách. Hưởng ứng mô hình đọc sách của đơn vị, tôi bắt đầu đọc sách nhiều hơn và nhận thấy thật sự bổ ích. Chẳng hạn trước đây, tôi chỉ biết đến Chiến thắng Điện Biên Phủ qua bài học trên lớp, qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khi tự bản thân đọc một cuốn sách về chiến thắng lịch sử vĩ đại này, tôi có thêm nhiều kiến thức, hiểu thêm về cách đánh giặc của ông cha. Bây giờ  trong tâm trí tôi đã có nhiều chuyện hay, sẵn sàng kể cho đồng đội nghe”.

Để có lượng sách phong phú, các đơn vị thường xuyên mượn sách từ thư viện của Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh về trưng bày tại phòng Hồ Chí Minh và chuyển cho các đại đội. Đơn vị còn vận động đoàn viên, thanh niên sưu tầm sách của gia đình, bạn bè mang đến truyền tay nhau đọc. Để nâng cao hiệu quả đọc sách, trong các đợt kỷ niệm ngày lễ lớn hoặc chủ đề của từng tháng, đơn vị có những định hướng để cán bộ, chiến sĩ đọc sách phù hợp. Chẳng hạn, trong tháng 7 có kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các câu chuyện kể sẽ tập trung vào những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng trong kháng chiến và các hoạt động tri ân "uống nước nhớ nguồn".

Đại úy Trần Phong Phú cho biết: “Hoạt động này ở Tiểu đoàn KSQS 31 mới triển khai được vài tháng nhưng đã dần tạo thói quen đọc sách cho bộ đội, đã có những ảnh hưởng tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa, duy trì kỷ luật và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức hội thi thuyết trình sách cấp tiểu đoàn để nâng cao hơn nữa chất lượng của mô hình”.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA