leftcenterrightdel
Chị Nguyễn Kim Thu làm lồng đèn. 

Cách đây khoảng 30 năm, làng làm lồng đèn Phú Bình còn đông vui nhộn nhịp hơn nhiều. Vào thời hoàng kim, làng lồng đèn có hơn 100 hộ làm nghề. Cứ đến độ Trung thu, thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua lồng đèn, xếp hàng từ sáng sớm để lựa chọn những chiếc lồng đèn ưng ý. Thế nhưng kinh tế ngày một phát triển, hàng hóa từ thị trường nước ngoài đưa vào ngày càng nhiều, đặc biệt là từ Trung Quốc khiến những chiếc lồng đèn truyền thống giấy kính ngày một lép vế. Chị Nguyễn Kim Thu là một nghệ nhân làm lồng đèn nổi tiếng ở làng nghề Phú Bình. Dịp Trung thu vừa qua, vợ chồng chị và các con đều dốc sức làm lồng đèn để kịp giao hàng đúng thời vụ. Người vót nứa làm khung, người dán giấy, người quấn dây kim tuyến quanh khung đèn… Chị Thu chia sẻ: “Nghề này cực lắm mà lãi lời chẳng đáng bao nhiêu. Những năm gần đây nhờ báo chí và chính quyền hỗ trợ quảng bá hình ảnh lồng đèn của làng chúng tôi nên doanh số cũng tăng lên chút đỉnh. Trước kia đã có thời điểm vợ chồng tôi tính bỏ nghề kiếm việc khác sinh nhai vì đơn đặt hàng khan hiếm. Nhưng trăn trở, tiếc nuối nghề truyền thống ông cha để lại mà không nỡ bỏ”. Tết Trung thu hằng năm, mỗi ngày gia đình chị hoàn thiện được hơn 100 chiếc lồng đèn ông sao đủ kích cỡ.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, người dân làng Phú Bình vẫn bảo nhau bám trụ lấy nghề, bởi đó là tinh hoa cha ông truyền lại, là bản sắc lâu đời của dân tộc không thể buông bỏ để rồi mai một theo thời gian. Tính tới nay, cả làng làm lồng đèn dù chỉ còn khoảng 20 hộ theo nghề, nhưng năm nào cũng cung cấp đủ số lồng đèn theo các đơn đặt hàng. Trước áp lực cạnh tranh quá lớn từ thị trường lồng đèn Trung Quốc, người dân làng nghề Phú Bình phải dùng bàn tay khéo léo và khối óc để sáng tạo ra nhiều mẫu mã hấp dẫn, kiểu dáng đẹp để thu hút người mua. Không chỉ có mẫu đèn ông sao truyền thống, nghệ nhân làng Phú Bình còn tạo ra lồng đèn với đủ hình dạng theo 12 con giáp, lồng đèn hình thuyền rồng, con bướm, con thỏ, chim chóc, thậm chí là hình dáng siêu nhân, người máy, lồng đèn có gắn bộ phát nhạc… không thua kém gì những mẫu mã bắt mắt của đèn lồng Trung Quốc; đồng thời sử dụng nguyên liệu tre, nứa, giấy bóng kính, màu vẽ… không độc hại cho sức khỏe của trẻ em. Các nghệ nhân còn tạo ra những chiếc lồng đèn hình ngọn hải đăng ghi dòng chữ “Trường Sa”, “Hoàng Sa”… qua đó lồng ghép tình yêu quê hương đất nước, gửi gắm niềm tự hào dân tộc tới các em thiếu nhi.

Em Nguyễn Thị Phương Thanh, con gái nghệ nhân Nguyễn Kim Thu, năm nay học lớp 10 nhưng đã có 6 năm làm nghề cùng mẹ, tâm sự: Trẻ em ngày nay rất kén đồ chơi nên làm nghề lồng đèn cũng phải nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Song, dù là đồ chơi cũng cần có tính giáo dục, góp phần tuyên truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: VÂN HÀ