Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, nghề đúc đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ khoảng 200 năm nay. Ngày 25-1 âm lịch hằng năm được chọn là ngày giỗ cúng tổ nghề. Trước năm 1975 là thời điểm làng nghề phát triển nhất, cả làng có đến hơn 60 hộ với hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Lúc này, ở khu vực Chợ Lớn-Gia Định đã hình thành các khu bán hàng thủ công và rất nhiều sản phẩm đúc đồng từ nồi, niêu, xoong, chảo đến đồ thờ cúng, lư hương, chân đèn… Hiện tại chỉ còn 5 cơ sở sản xuất chính, gồm: Hai Thắng, Năm Toàn, Ba Cồ, Út Kiểng, Sáu Bảnh. Đa số những nghệ nhân, nhân công ở đây đều gắn bó với xưởng và có tuổi nghề hơn 20 năm. Họ luôn cố gắng gìn giữ để nghề không bị mai một. Ngày nào lò còn sáng đèn khi đó những người thợ còn cần mẫn bám nghề.
Nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải trải qua nhiều công đoạn. Tất cả lại được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ và quan trọng hơn hết là tình yêu với nghề. Mỗi thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn.
Lư đồng An Hội có 2 loại: Loại lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Tùy theo kích cỡ, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết mà giá cả sẽ có phần khác nhau. Lư đồng ở đây được bán trực tiếp ngoài cửa hiệu phía trước và được bỏ mối trên toàn quốc, nhưng chuộng nhất là người dân khu vực miền Tây Nam Bộ.
Từ hàng trăm năm trước khi mang nghề về đây, có lẽ các cụ tổ nghề đúc đồng đã mong mỏi lửa nghề sẽ sáng mãi, đem lại sự trù phú, ấm no cho vùng đất này. Trải qua bao thăng trầm, dẫu nghề có vất vả nhưng những người con An Hội vẫn đau đáu tâm huyết giữ nghề, giữ tinh hoa truyền thống. Điều đó được thể hiện qua những sản phẩm tinh xảo, kỳ công. Ngày nào khói hương trầm còn tỏa ấm, tín ngưỡng tâm linh còn được thờ phụng thì những chiếc lư An Hội còn trang nghiêm đứng vững trong tâm trí của người tiêu dùng.
THÚY NHI