Đầu tháng 4-2022, Quận đoàn quận Phú Nhuận tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình “Không gian Bác Hồ với thanh niên thiếu nhi” tại Nhà thiếu nhi quận. Trong căn phòng rộng 36m2, nhiều thể loại sách viết về Bác được xếp ngay ngắn trên kệ và được trang trí bằng tranh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Công trình trở thành điểm hẹn hấp dẫn để thanh thiếu nhi đến tìm hiểu về Bác.

Chị Nguyễn Minh Thu (ngụ tại quận Phú Nhuận) cho rằng, ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh nằm ở vị trí gắn liền lịch sử, những không gian văn hóa gắn liền với Bác trên địa bàn thành phố chưa nhiều. Vì vậy, những không gian văn hóa mở, ở nhiều khu vực khác nhau như công trình trên có ý nghĩa rất lớn, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt những người trẻ đến tham quan, học tập.

leftcenterrightdel
  Một điểm trưng bày tư liệu về Bác Hồ tại quận Tân Bình thu hút đông đảo người dân. Ảnh: THU HƯƠNG.

Cùng với việc khánh thành các công trình mới, nhiều đơn vị còn đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với thanh, thiếu nhi thông qua các hình thức trực tuyến và các trang mạng xã hội. Điển hình như Quận đoàn quận 6 tổ chức Triển lãm trực tuyến “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” 3D tại trang web “Tuổi trẻ quận 6”. Ra mắt vào đầu tháng 11-2021 đến nay, triển lãm đã thu hút hơn 30.000 lượt tiếp cận và hơn 1.980 đoàn viên, thanh niên tham gia các diễn đàn thảo luận.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, quận/huyện, sở ngành tại thành phố đã phát động các phong trào thi đua xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" như là một trong những nội dung trọng tâm của năm 2022. Một số đơn vị, sở ngành khác thì đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm hình ảnh, tổ chức các hội nghị chuyên đề, các hoạt động trồng cây nhớ Bác, biên tập tập san giới thiệu gương học tập và làm theo Bác... Đại diện UBND quận Tân Bình cho biết, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng đến người dân. Đến nay, toàn quận đã có 48/50 đơn vị xây dựng không gian văn hóa với 45 địa điểm; trong đó có 39 không gian văn hóa đã khánh thành trong dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Bác.

Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình thành phố chuyển tải không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến người dân bằng chương trình truyền hình “Điều giản dị” theo hình thức trao đổi, tọa đàm. Chương trình được phát sóng trên khung giờ thời sự của Đài Truyền hình thành phố và công chiếu trên trang Facebook “Tuyên giáo Mặt trận TP Hồ Chí Minh”, thu hút đông đảo người xem. Trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhiều chương trình và các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đưa các hình ảnh, phóng sự, hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên các trang mạng xã hội như YouTube, Zalo, Facebook và các trang tin điện tử.

Để không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành niềm tự hào của thành phố, nhiều chuyên gia về văn hóa cho rằng, thành phố cần đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, bộ máy quản lý văn hóa, sự phát triển các lĩnh vực văn hóa để có chính sách đột phá cho từng lĩnh vực theo chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đồng thời, thành phố cần có định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

HOÀNG NGÂN