Công viên văn hóa Lê Thị Riêng tọa lạc tại phường 15, quận 10, là một trong những địa chỉ điển hình. Nơi đây từng là khu nghĩa trang lớn của Sài Gòn - Gia Định với tên gọi Nghĩa trang Đô Thành. Sau ngày thống nhất đất nước, thành phố chỉnh trang nơi này thành công viên văn hóa, cảnh quan đẹp mắt, ngày càng thu hút du khách từ mọi nơi đến tham quan, vui chơi, giải trí.
Đến công viên trong ngày đầu tuần, chúng tôi thấy nhiều nhóm học sinh đang học tập truyền thống ngoại khóa tại khu vực Bia tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú. Khu tưởng niệm nằm nghiêm trang ở phía bên trái lối đi vào cổng chính công viên. Công trình gồm bốn hạng mục chính: Đường dẫn, sân làm lễ, đường công viên và đài bia tưởng niệm. Trên đài bia, bằng chất liệu đá hoa cương nguyên khối, chân dung đồng chí Trần Phú được tạc nổi trên khối phù điêu mang hình cờ Đảng, cùng câu nói nổi tiếng của ông: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Bên cạnh đó là bảng tóm tắt tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh học tập truyền thống tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Phong, người làm công tác bảo vệ lâu năm tại công viên, kể lại: Ngày 4-1-1999, tức là sau 68 năm ngày Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh, ông Trần Văn Thược (cháu của Tổng Bí thư Trần Phú) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm thấy mộ phần của Tổng Bí thư Trần Phú ngay tại Công viên Lê Thị Riêng. Đến ngày 12-1-1999, hài cốt của Tổng Bí thư Trần Phú được đưa về an táng tại quê nhà ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Để tưởng nhớ công lao của đồng chí Trần Phú, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh của dân tộc, tháng 9-2005, Đảng và Nhà nước đã tiến hành xây dựng Bia tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú gần nơi tìm thấy phần mộ của ông.
Hiện nay, đi kèm với việc nâng cấp cảnh quan môi trường, Đảng ủy, UBND quận 10 đã chọn Công viên văn hóa Lê Thị Riêng làm nơi đặt Nhà truyền thống của quận, nhà bia tưởng niệm ghi danh hơn 2.000 anh hùng liệt sĩ và bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, trong đó có anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng và anh hùng liệt sĩ Trần Văn Kiểu. Công viên trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống. Trong những ngày lễ, Tết, kỷ niệm, đông đảo người dân thành phố và du khách tề tựu về đây dâng hương, dâng hoa tưởng niệm.
Chị Bùi Thị Hồng Hoa, Phó bí thư Thường trực Quận đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội quận 10, cho biết: “Công viên văn hóa Lê Thị Riêng không chỉ là nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho người dân mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Trong các buổi lễ phát động phong trào hành động cách mạng, tuổi trẻ quận 10 luôn chọn địa điểm này để tổ chức. Những di tích, công trình lịch sử và khuôn viên văn hóa trong công viên là chất liệu, môi trường khơi gợi lòng tự hào, thôi thúc tuổi trẻ thi đua xung kích, sáng tạo thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng trong giai đoạn mới”.
Bài và ảnh: TRẦN TUYẾT