Đọc qua bộ sách, công chúng cảm nhận được phụ nữ Sài Gòn-Gia Định trong kháng chiến đã có mặt hầu hết trên các mặt trận, nổi bật là công tác binh vận, tham gia đánh chiếm đồn, bốt địch ở cơ sở, nổi dậy tại các tiểu khu, chi khu và công sở... Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, ở nội thành Sài Gòn, phụ nữ làm lực lượng nòng cốt tại chỗ tham gia giải phóng các khu vực, như: Bảy Hiền, Khánh Hội, Bàn Cờ... 

Bên cạnh đó, khi đất nước thống nhất, phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã tiếp nối và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang, tích cực tham gia xây dựng chính quyền cách mạng các cấp, đoàn kết tương trợ, ổn định đời sống, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội... Bộ sách còn thể hiện rõ nét quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức Hội LHPN thành phố và phong trào phụ nữ thành phố gắn liền với từng giai đoạn phát triển của Thành phố mang tên Bác.

leftcenterrightdel
 Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh trao tặng bộ sách đến các nhân vật tiêu biểu và đại diện hội phụ nữ các quận, huyện. 

Là người trực tiếp tham gia biên soạn bộ sách, PGS, TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Đây là công trình đầu tiên về lịch sử giới. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng nhóm biên soạn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các nhân chứng lịch sử, những người từng làm công tác hội phụ nữ, lãnh đạo phong trào phụ nữ của thành phố... thông qua việc cung cấp tư liệu và kể lại những câu chuyện lịch sử. Ngoài ra, bộ sách có sự kế thừa tư liệu từ những ghi chép về phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Sài Gòn-Gia Định thông qua các bút ký, hồi ký của các nữ chiến sĩ cách mạng lão thành và một số quyển sách đã xuất bản”.

Điều tâm đắc nhất đối với nhóm biên soạn bộ sách là công trình này mang lại cái nhìn thú vị về lịch sử theo trục chuyển động của các phong trào phụ nữ. Không chỉ trong thời chiến, vai trò của phụ nữ thành phố còn được ghi nhận ở các phong trào, cuộc vận động trong thời kỳ đổi mới đất nước, do thành phố khởi xướng như: Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, bảo trợ bệnh nhân nghèo, bảo trợ trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em... 

Đánh giá về bộ sách “85 năm phong trào phụ nữ TP Hồ Chí Minh (1930-2015)”, đồng chí Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một công trình trọng điểm, mang ý nghĩa lớn nhằm góp phần tuyên truyền, giữ gìn và phát huy truyền thống phụ nữ thành phố đến nhân dân. Bộ sách đánh dấu quá trình hoạt động của phong trào phụ nữ thành phố qua nhiều giai đoạn nhưng luôn giữ vững bản lĩnh, ngày càng tô thắm những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước và TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: THƯ LÊ