Từ đó có những giải pháp hiệu quả thúc đẩy sự phát triển toàn diện của văn hóa đọc, xu hướng đọc tích cực trong giới trẻ và cộng đồng”.
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, học sinh, sinh viên thành phố nhận thức khá rõ về ý nghĩa, sự cần thiết, lợi ích, giá trị cũng như mục đích của việc đọc sách mang lại cho bản thân trong học tập, tích lũy kiến thức, hoàn thiện nhân cách, tương lai nghề nghiệp. Tuy nhiên, mức độ nhận thức có khác nhau ở từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn, học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở thì mức độ yêu thích đọc chưa đến 50%, mức độ thường xuyên đọc sách của nhóm đối tượng này chỉ đạt từ 28%-43% … Quá trình khảo sát còn cho thấy, quỹ thời gian học sinh tiểu học và trung học cơ sở tạo lập thói quen đọc sách chủ yếu từ gia đình, trong khi nhà trường còn bỏ ngỏ, thiếu tính chủ đích và kế hoạch. Nhiều học sinh còn nhầm lẫn giữa sách giáo khoa, sách thường thức khoa học, sách nghiên cứu, sách truyện… Do vậy, đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm đầu tư nhiều trong việc tạo lập cảm xúc yêu thích đối với việc đọc sách từ môi trường gia đình, nhà trường. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng khi mức độ quan tâm đọc sách ở độ tuổi này chịu ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình khá rõ nét.
    |
 |
Giới trẻ đọc sách tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. |
Riêng với học sinh trung học phổ thông, sinh viên cao đẳng và đại học, nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết, lợi ích của việc đọc sách có chiều sâu hơn. Mức độ yêu thích đọc sách của học sinh trung học phổ thông là 68%, trong khi hơn 55% sinh viên đại học, cao đẳng cũng đọc sách để nâng cao kiến thức, phục vụ học tập. Ở độ tuổi này, các em đã thể hiện suy nghĩ độc lập và tự chủ khá rõ nên những tác động về niềm tin, sở thích đọc cũng chuyển ảnh hưởng từ những người thân trong gia đình sang thầy cô, bạn bè. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng thể hiện xu hướng tất yếu khi sách truyền thống đang phải chịu sự cạnh tranh của các thiết bị điện tử như ipad, điện thoại di động thông minh, máy vi tính…
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc khảo sát bước đầu đã nhận diện niềm tin, thói quen đọc hiện nay của giới trẻ thành phố để có những giải pháp ứng xử phù hợp, hiệu quả. Trong đó, cần tập trung ngay cho nhóm học sinh tiểu học và trung học cơ sở với việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Hội Xuất bản sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hình thành tiết đọc sách để học sinh được tiếp cận và được đọc sách thông qua những khung giờ chính thức trong nhà trường. Từ đó, mới có thể tác động một cách có hệ thống và tích cực nhất giúp học sinh đến với sách và hình thành thói quen đọc sách tích cực. Ngoài ra, phụ huynh nên đọc sách cùng con, đưa trẻ đi nhà sách thường xuyên và có thể xây dựng tủ sách riêng cho trẻ.
Bài và ảnh: TRẦN TUYẾT