Tọa lạc trên một gò đất cao thuộc phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, đình thần Linh Đông là nơi thờ thần Thành hoàng. Sau này thờ thêm ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy-tên hiệu là Thủ Đức) là người có công xây dựng và hình thành vùng đất Thủ Đức. Theo các tư liệu ghi lại, ngôi đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Theo dòng thời gian, đình thần Linh Đông là công trình đặc sắc, có giá trị về lịch sử, văn hóa, đặc biệt lưu giữ được nhiều yếu tố kiến trúc đình làng truyền thống Nam Bộ. Đình được xây dựng theo kiểu “chữ tam”, gồm các phần: Tiền điện, trung điện và chính điện; nhà khách, nhà bếp và sân đình.

leftcenterrightdel
Mặt trước của đình Linh Đông, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, ngôi đình còn lưu giữ hiện vật vô cùng giá trị là sắc phong do vua Tự Đức ban cho thần Thành hoàng Bổn Cảnh thôn Linh Chiểu Đông, huyện An Nghĩa vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (ngày 8-1-1853). Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật quý được làm bằng gỗ, chạm khắc tinh tế các linh vật như: Long, lân, quy, phụng, hạc, rùa... Sự hình thành, tồn tại của ngôi đình không chỉ gắn với sự phát triển của vùng đất Thủ Đức mà còn là vùng đất Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, là một bộ phận của di sản văn hóa nước ta. Hằng năm, tại đình thần Linh Đông tổ chức lễ Kỳ Yên vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Đến nay, trên địa bàn quận Thủ Đức có 9 di tích được xếp hạng gồm: 8 di tích kiến trúc nghệ thuật và 1 di tích lịch sử. Để nâng tầm quản lý di tích Quốc gia đình thần Linh Đông, UBND quận Thủ Đức quyết định thành lập Ban quản lý Di tích đình thần Linh Đông. UBND quận yêu cầu Ban quản lý di tích phải tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thực hiện đầy đủ và đúng các quy định của pháp luật trong việc tổ chức các nghi lễ, hội trong đình. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương theo phân cấp thực hiện tốt công tác bảo tồn, trùng tu và tham mưu, đề xuất các hoạt động nâng cao nhận thức của xã hội về di sản văn hóa thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG