Với trách nhiệm, tâm huyết và nỗi niềm với nghề, nhiều soạn giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ cải lương… đã hiến kế vực dậy SKCL TP Hồ Chí Minh.
Vừa thiếu, vừa yếu
Câu chuyện của NSƯT Kim Tử Long kể về cái khó và sự gian nan của các nghệ sĩ cải lương khi dốc tâm với nghề nhưng thiếu nơi biểu diễn, khiến nhiều người làm nghề chạnh lòng, day dứt. Số là, để tham gia Liên hoan SKCL toàn quốc 2018, Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Kim Tử Long đã đầu tư 800 triệu đồng dàn dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn. Thế nhưng, sau liên hoan đến giờ cũng chưa tái diễn được lần nào, đành phải “cất kho”. Lý giải điều này, Kim Tử Long ngậm ngùi: “Thuê địa điểm ở Nhà hát Bến Thành, mỗi suất diễn chúng tôi phải trả 45 triệu đồng, mỗi suất tập 10 triệu đồng, ấy là chưa kể chi phí cho nhân viên, diễn viên, trang phục, thiết kế… Để đủ trang trải, giá vé vào xem phải lên tới 1 triệu đồng/vé, trong khi đó giá bán thực tế chỉ chừng 200 đến 300.000 đồng/vé. Vậy thì làm sao cải lương, nhất là cải lương xã hội hóa (XHH) sống nổi”.
TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà hát nhưng để phù hợp với cải lương thì hiếm. Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành là những điểm được các nghệ sĩ cải lương lựa chọn, nhưng giá thuê quá cao. Ngân sách Nhà nước bỏ ra 137 tỷ đồng để xây sửa, nâng cấp Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng sau khi sửa chữa lại giống một hội trường hiện đại hay một trung tâm hội nghị hơn là rạp hát, nên rất ít hoạt động. Có nhà hát xây dựng lên chủ yếu chỉ để phục vụ hội nghị, sự kiện, quảng cáo.
    |
 |
Một cảnh trong vở “Máu nhuộm sân chùa” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. |
NSND, TS Bạch Tuyết chỉ ra những hạn chế về mặt chuyên môn của cải lương thành phố. Đó là thiếu tác giả tài năng để tạo ra các tác phẩm hay, thiếu đạo diễn giỏi và chưa có lớp nghệ sĩ trẻ đủ tầm kế cận. Nhiều tác giả hiện nay viết theo cảm tính, mò mẫm học, mò mẫm viết, thiếu sự hướng dẫn và phản biện nên không biết mình viết hay chỗ nào, dở ở đâu. Theo nhà viết kịch Vương Huyền Cơ, nhiều vở cải lương được công diễn trên địa bàn thành phố có nội dung, ca từ dài dòng, lê thê, sến sẩm nên không thu hút được khán giả. Thứ mà chúng ta đang trình diễn không phải là tuyệt phẩm cải lương, do dàn dựng cẩu thả, tùy tiện, không chắt lọc tinh xảo. Thực tế ấy là hệ quả của sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực làm nghề, giữ nghề, cùng góp sức phát triển nghệ thuật SKCL; là vòng luẩn quẩn khiến cải lương thành phố chưa tìm được lối ra.
Cộng đồng trách nhiệm
Sự thụt lùi của SKCL ở ngay cái nôi mà nó sinh ra là điều đáng tiếc! Phần nổi của SKCL thời gian qua lại chủ yếu dựa vào một số tiết mục, gameshow cải lương lắp ghép, trích đoạn cải lương mua vui ở nhà hàng, quán cà phê, chứ rất hiếm khi có một chương trình biểu diễn cải lương đích thực. Thậm chí, sự “hài hóa” tác phẩm cải lương kinh điển đã làm cho nghệ thuật cải lương trở nên tầm thường hóa. Theo soạn giả Đăng Minh, trách nhiệm thuộc về công tác quản lý và cả những người làm nghề. Giới quản lý thụ động, không dự báo được mức độ cạnh tranh và sự thay đổi mạnh mẽ của đời sống xã hội; không định hướng được cải lương. Còn nghệ sĩ thì thả nổi, theo hướng nghiệp dư, dễ dãi. “Vực dậy cải lương không khó, khó là bởi sự quan tâm của nhà quản lý chưa ngang tầm. Chẳng hạn, khi xây dựng nhà hát nên có sự tham vấn của giới nghệ sĩ, sẽ không xảy ra tình trạng nhà hát như trung tâm hội nghị”, soạn giả Đăng Ninh nhấn mạnh.
Một sân khấu dành cho cải lương là niềm mong mỏi của giới làm nghề. NSƯT Kim Tử Long kiến nghị: “Chúng tôi tự bỏ tiền ra dựng vở, nhưng hãy cho chúng tôi một nơi diễn đúng nghĩa cho nghệ thuật cải lương, hỗ trợ chi phí thuê nhà hát theo giá ưu đãi để chúng tôi sống được với nghề”.
Mới đây, vở Tổ quốc nơi cuối con đường của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh được Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ biểu diễn phục vụ công nhân, viên chức, người lao động nên có liên tục nhiều suất diễn thành công. Đây là mô hình chung tay hiệu quả giúp SKCL có đất hoạt động, tạo thuận lợi cho nghệ sĩ cải lương có đất sống.
Thành phố cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng để khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần say mê và nhiệt huyết của người làm nghề. XHH là một xu hướng thích hợp, góp phần chấn hưng SKCL, nhưng không thể để họ “tự bơi”, tự vẫy vùng. Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, sàn diễn cải lương đi vào XHHphải chuẩn bị chu đáo chiến lược phát triển; không thể lắp ghép nghệ sĩ vào câu lạc bộ chỉ cho đủ mặt đào kép rồi tìm vở diễn, tìm rạp thuê biểu diễn vài suất thì khó thành công.
Cải lương TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn tụt dốc bởi nhiều yếu tố, trong đó, cái khó không thể không nhắc tới là “tre già, măng chưa mọc”. Để giải quyết vấn đề này, theo tác giả Vương Huyền Cơ, ngành chức năng thành phố cần ngồi lại với các trường đào tạo chuyên môn để xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực cho SKCL.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - HỒNG THÚY