Anh Huỳnh Thanh Vẹn, hướng dẫn viên du lịch tại Khu di tích Địa đạo Củ Chi nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi tham quan từng vị trí, hiện vật lịch sử, chui xuống từng đoạn hầm, giao thông hào nằm sâu dưới lòng đất. Cùng thế hệ 9X như chúng tôi, sinh ra và lớn lên trong thời đất nước đổi mới, hội nhập, nhưng anh Vẹn tỏ ra chín chắn, am hiểu sâu sắc truyền thống, lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Được đào tạo bài bản, có cơ hội tìm việc làm thu nhập hấp dẫn ở nhiều nơi, nhưng anh Vẹn lại quyết định làm hướng dẫn viên tại khu di tích này. “Càng nghiên cứu, tìm hiểu sâu những giá trị lịch sử của vùng đất này, mình càng thêm tự hào về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường, tinh thần sáng tạo tuyệt vời của nhân dân Củ Chi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mình nghiệm ra, càng khó khăn, gian khổ, hy sinh, càng dấn thân vào thử thách, nhân dân ta càng bộc lộ phẩm chất cao đẹp, sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Được làm chiếc cầu nối để đưa những giá trị lịch sử truyền thống của vùng đất huyền thoại này đến với du khách trong nước và quốc tế là bổn phận, niềm hạnh phúc cao cả của mình”, anh Vẹn tâm sự với chúng tôi rất chân thành.

leftcenterrightdel
    Du khách trải nghiệm cuộc sống thời chiến dưới những lán trại trong Khu di tích Địa đạo Củ Chi.

Trong số những hiện vật, hình ảnh, hạng mục được bảo tồn nguyên trạng ở khu di tích, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những ụ mối. Thổ nhưỡng ở Củ Chi màu mỡ, lại có rừng nguyên sinh nên mối làm tổ rất nhiều. Tận dụng lợi thế tự nhiên này, quân và dân Củ Chi đã đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào trong lòng đất, chạy ngoằn ngoèo dưới những ụ mối. Tại những nơi có ụ mối đùn lên, quân-dân ta lợi dụng những cái lỗ nhỏ do mối đục để làm lỗ thông hơi. Nhờ đó mà mặc dù hệ thống giao thông, hầm, hào địa đạo nằm sâu trong lòng đất nhưng con người cơ động dưới đó không bị thiếu oxy. Một ý tưởng sáng tạo tuyệt vời khiến những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Củ Chi, khi trở lại Việt Nam tham quan địa đạo đã vô cùng kinh ngạc, thán phục.

Từ những ụ mối cho đến các đoạn hầm, hào, bàn chông, những công xưởng sản xuất, chế tạo vũ khí, quân lương, quân trang… dưới lòng đất đều được bảo tồn, phục dựng gần như nguyên trạng. Hấp dẫn và thú vị hơn, tại những vị trí ấy, Ban quản lý Khu di tích Địa đạo Củ Chi thuộc Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã tái hiện bằng người thật, cảnh thật những hoạt động thời chiến. Chúng tôi được gặp những người phụ nữ quấn khăn rằn ngồi bên bếp lò nấu bột gạo làm bánh tráng; những người nông dân trồng khoai mì (sắn), khai thác, chế biến tại chỗ. Rồi những người thợ may vá áo quần, may quân trang, sản xuất dép cao su phục vụ kháng chiến. Việc làm này không chỉ giúp du khách trải nghiệm không khí sinh hoạt thời chiến của quân và dân Củ Chi mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng “Đất thép”.

Ông Nguyễn Đình Lâm, cựu chiến binh, thương binh, từng có nhiều năm tham gia chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, nay là “nghệ nhân” chế tác dép cao su từ lốp ô tô, lốp xe máy phế thải. Ông sắm vai một chiến sĩ ngành quân nhu với những dụng cụ thô sơ như dao, kéo, ngồi trong một căn hầm nhỏ lợp lá trung quân bán lộ thiên, tái hiện các thao tác làm dép cao su phục vụ du khách. Bàn tay ông thoăn thoắt thực hiện rất thuần thục, điệu nghệ. “Trong hoàn cảnh chiến tranh, mỗi chiến sĩ, người dân có thể làm được dăm chục đôi dép như thế này trong một ngày. Dép cao su ở Củ Chi rất đặc biệt vì nó được làm ngược để đánh lừa địch. Khi truy quét ta, địch thường tìm theo dấu dép cao su in trên mặt đất nhằm lần ra nơi ta trú quân. Ta làm những đôi dép đi ngược, nghĩa là địch tưởng ta đi về hướng nam nhưng thực chất ta lại đi về hướng bắc. Kiểu sáng tạo này cũng được nhiều đơn vị áp dụng khi chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia để nghi binh, đánh lừa địch”, ông Lâm hào hứng kể chuyện với chúng tôi.

Tháng tư này, Khu di tích Địa đạo Củ Chi lại trở thành một trường học lớn, thu hút hàng ngàn lượt du khách mỗi ngày. Điều lớn lao nhất du khách thu nạp được ở vùng “Đất thép” huyền thoại này chính là được tiếp lửa truyền thống, tự hào với lịch sử vẻ vang và thấy mình càng phải có trách nhiệm phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh. Với những nhà báo tương lai chúng tôi, những buổi thực tế ở đây là sự trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi hiểu thêm về lịch sử, truyền thống thông qua sự kiện, nhân chứng, hiện vật của ngày hôm nay để bổ sung cho hành trang tri thức, cảm xúc, bản lĩnh, nhiệt huyết của nghề báo cao quý.

Bài và ảnh: KIM THẮNG