Tiên phong trong việc mở cửa trở lại đón khách tham quan, Bảo tàng Áo dài Việt Nam vừa triển khai áp dụng các giải pháp phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và hướng đến các sân chơi văn hóa chuyên đề nhằm phục vụ các ngày lễ lớn, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Trước đó, cuối tháng 11-2021, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), Bảo tàng Áo dài Việt Nam đã tổ chức Ngày hội Di sản với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng. 

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam, để bảo đảm quy định phòng, chống dịch, các chương trình tại bảo tàng như giao lưu, trình diễn dân ca... đều được duy trì cách thức tạo không gian tương tác thân thiện mà vẫn giữ mức độ an toàn. Cùng với việc phát thông tin thuyết minh qua hệ thống loa, bảo tàng chú thích cho hiện vật trưng bày kỹ càng hơn, để khách tham quan có thể tự theo dõi, tìm hiểu mà không cần thuyết minh viên nhằm hạn chế việc tiếp xúc. 

leftcenterrightdel
Khách tham quan triển lãm ảnh về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN DUY 

Vừa qua, Bảo tàng Áo Dài Việt Nam cũng lên kế hoạch phối hợp với Chi hội Di sản văn hóa Đông Phương cổ truyền thực hiện chương trình thể nghiệm “Phục hồi sức khỏe sau Covid-19” thu hút đông đảo người dân quan tâm và tham gia. Sau thể nghiệm được sự đón nhận của công chúng, bảo tàng sẽ xây dựng thành tour du lịch phục hồi sức khỏe cho F0 và người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, gồm hoạt động khám phá bảo tàng, trị liệu phục hồi sức khỏe, trải nghiệm chụp hình với áo dài, thưởng thức ẩm thực... 

Bên cạnh trưng bày trực tiếp, các bảo tàng, di tích tại TP Hồ Chí Minh có những bước chuyển mình rõ rệt để thích ứng an toàn, thu hút khách tham quan bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ Hologram (ghi hình 3D) để kể những câu chuyện về hiện vật, bài học lịch sử sinh động hơn thông qua các trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, hình ảnh qua các máy Hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR) giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không khí và thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Thông qua ứng dụng này, du khách tham quan được tương tác nhiều hơn, đặc biệt với những công nghệ nghe nhìn hiện đại có thể thu hút được sự quan tâm của du khách là giới trẻ. Đây được coi là một trong những giải pháp năng động và sáng tạo của bảo tàng để thu hút du khách khi TP Hồ Chí Minh trở lại cuộc sống bình thường mới.

Cũng với cách làm tương tự, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh thử nghiệm “kho mở trực tuyến”, giới thiệu một số hiện vật chọn lọc trong bộ sưu tập của Victor Thomas Holbé. Thay vì đến bảo tàng, khách tham quan có thể truy cập vào địa chỉ “Kho mở trực tuyến” để xem các hình ảnh cổ vật được giới thiệu kèm thông tin thuyết minh cụ thể về lai lịch bộ sưu tập, chủ sở hữu ban đầu kèm nội dung về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của từng hiện vật...

Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, tổ chức “Kho mở trực tuyến” phục vụ công chúng là bước thử nghiệm ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác thông tin trong kho cơ sở như một yêu cầu tất yếu khách quan của các bảo tàng hiện nay. Đồng thời, qua hình thức này, những ý kiến của công chúng cũng là cơ sở để bảo tàng có hướng tổ chức tốt hơn việc khai thác các bộ sưu tập. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc áp dụng khoa học, công nghệ vào công tác bảo tàng cũng là cách để hệ thống bảo tàng đến với khán giả trong mọi hoàn cảnh. 

Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả thu hút khách tham quan trở lại, các bảo tàng lớn của TP Hồ Chí Minh, như: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... đều có chương trình phối hợp với các công ty du lịch lữ hành, các trường học trên địa bàn và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để đưa du khách và học sinh, sinh viên đến trải nghiệm với hy vọng tạo được sự thích thú, vui vẻ cho khách khi tới tham quan trong điều kiện vẫn bảo đảm các yếu tố phòng dịch.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh đánh giá, hướng đi mới mẻ của các bảo tàng khi kết hợp với ngành du lịch, các trường học đến trải nghiệm các triển lãm bằng thực tế ảo đã tạo không ít bất ngờ, hấp dẫn với khách tham quan. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc tham quan các bảo tàng “ảo” đang là lựa chọn hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đồng thời cũng là một cách tiếp cận gần gũi với công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của các bảo tàng trên thế giới. Đây cũng là tiền đề để Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh quan tâm, hướng tới thực hiện ứng dụng công nghệ số ở toàn hệ thống bào tàng của thành phố trong thời gian tới.

HOÀNG NGÂN