Ôm chiếc đàn guitar, Binh nhì Ngô Đức Khôi, chiến sĩ Trung đội 24, Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3), bắt nhịp cho tiểu đội đi cùng hát các ca khúc cách mạng mới được chỉ huy đơn vị hướng dẫn. Tiếng hát đồng thanh hòa cùng nhịp nhạc, dưới bóng hàng dầu xanh mát làm dịu đi cái nắng chói chang trên thao trường đỏ lửa. Trung úy Trương Minh Phú, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đại đội 9, chia sẻ: “Bước vào quân ngũ, các chiến sĩ trẻ rất bỡ ngỡ với môi trường mới lạ và nhiệm vụ huấn luyện thực hành. Để giúp chiến sĩ tiếp cận với công việc, với chế độ ngày, tuần một cách nhẹ nhàng, thoải mái, chúng tôi luôn dành thời gian để hướng dẫn anh em tập hát. Ban đầu, chiến sĩ mới không quen với thể loại nhạc truyền thống nên cán bộ Đoàn và chỉ huy đơn vị chủ động hướng dẫn từ cơ bản đến thuần thục, thuộc lời rồi ghép nhạc. Đến nay, cả đơn vị đều thuộc những bài hát quy định và những ca khúc viết về lực lượng vũ trang thành phố anh hùng”.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn Gia Định) thư giãn trong giờ giải lao.

Tham quan lớp học của các trung đội, nhìn những chiến sĩ trẻ ngồi kề vai nhau say sưa hát “Hành khúc Trung đoàn Gia Định”, tôi cảm nhận được niềm vui và sự trưởng thành của những chàng trai mới chừng 60 ngày trong môi trường quân ngũ. Binh nhì Trương Bảo Hưng, chiến sĩ Trung đội 24, Đại đội 9 (Tiểu đoàn 3), tâm sự: “Dù mới tập hát những ca khúc cách mạng, nhưng từng lời hát chứa đựng chiến công hào hùng của lớp lớp cha anh đi trước, như “tiếp lửa” cho chúng tôi phấn đấu vượt mọi khó khăn để tu dưỡng, rèn luyện thật tốt, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Trung đoàn Gia Định anh hùng”.

Đặc thù nhiệm vụ quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới thường diễn ra với cường độ cao; thời gian dành cho các hoạt động văn hóa văn nghệ không nhiều. Do vậy, để bảo đảm học thuộc các bài hát quy định trong quân đội và một số bài hát truyền thống của đơn vị, đòi hỏi cán bộ các cấp phải thường xuyên đổi mới cách dạy và học hát. Trung úy Trương Trung Thành, Trung đội trưởng Trung đội 31, Đại đội 12 (Tiểu đoàn 3), chia sẻ: “Qua hai tháng tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng việc dạy và học hát ở trung đội đã thành nền nếp. Trước các buổi sinh hoạt tổ, tiểu đội, sinh hoạt chi đoàn, vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, chúng tôi thường dành ít phút tập hát cho bộ đội. Tập nhiều thành quen, đến nay, chiến sĩ của trung đội đã thuộc hết các bài hát quy định”.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn, các đơn vị đã triển khai cho Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch học tập các bài hát quy định. Sau thời gian tập luyện, ban chấp hành liên chi đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả; tổ chức giao lưu giữa các phân đoàn, thi hát theo hình thức chỉ định từng bài. Theo Thiếu tá Hồ Anh Vũ, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, đối với hoạt động phong trào, nhất là tập luyện các bài hát quy định, Ban chỉ huy tiểu đoàn kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân tích cực; lấy kết quả thực tế để đánh giá năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ các cấp. Đây là động lực khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ.

Ở các cơ quan, đơn vị khác trong Trung đoàn Gia Định, việc học và duy trì các bài hát quy định, bài hát truyền thống luôn được thực hiện đều đặn. Trước các buổi sinh hoạt tập trung, trực ban cơ quan, đơn vị bắt nhịp hát tập thể từ 2 đến 3 bài để mọi cán bộ, chiến sĩ ôn lại nội dung bài hát. Trên đường ra thao trường, hay giờ giải lao, những bài hát như: "Tiến bước dưới quân kỳ", "Vì nhân dân quên mình", "Hát mãi khúc quân hành", "Bác đang cùng chúng cháu hành quân"... luôn rộn rã ngân vang, xua đi những mệt nhọc, căng thẳng sau tiết học. Theo báo cáo của cơ quan chính trị, sau mỗi đợt huấn luyện chiến sĩ mới, trung đoàn thường tổ chức cuộc thi hát các bài quy định, chấm điểm, trao giải cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đây không chỉ là dịp để mọi cán bộ, chiến sĩ luyện tập, thể hiện năng khiếu ca hát mà còn thúc đẩy phong trào văn nghệ của đơn vị. Thiếu tá Ngô Thường An, Phó chính ủy Trung đoàn Gia Định cho biết: “Chiến sĩ ở Trung đoàn Gia Định, ngoài thể lực tốt, thành thạo nghiệp vụ quân sự, cần phải có ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan, vui tươi và tư tưởng an tâm, thoải mái để thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để chiến sĩ có đời sống tinh thần phong phú, trong đó việc duy trì học và hát những bài hát quy định được coi là một trong những biện pháp hiệu quả để góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội”.

Bài và ảnh: TRẦN HƯNG QUỐC