TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn ở khu vực Nam Bộ. Hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích luôn đầy ắp hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, khoảng 70% nguồn cung thực phẩm hằng ngày cho thành phố là từ các chợ, chủ yếu là 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố như: Ban Quản lý ATTP; Cục Quản lý thị trường, Sở Y tế... thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định vệ sinh, ATTP. Từ năm 2017 đến tháng 6-2022, Ban Quản lý ATTP đã kiểm tra gần 328.000 cơ sở, phát hiện vi phạm với tỷ lệ 11,3%; đã xử phạt 7.225 cơ sở tổng số tiền gần 153,1 tỷ đồng...

leftcenterrightdel
Thực phẩm an toàn trong siêu thị được đông đảo người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh lựa chọn. 

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định vệ sinh, ATTP vẫn xảy ra, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp mạnh tay hơn; đồng thời đề cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người bán hàng vì sức khỏe cộng đồng. Chỉ trong 3 ngày đầu tháng 8 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hai vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu với 13 người phải nhập viện, trong đó 2 người tử vong. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố: Cơ quan chức năng đã cảnh báo tình trạng mất ATTP ở một số nhà hàng, chợ truyền thống, khuyến cáo người dân lựa chọn sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và địa chỉ bán hàng tin cậy để mua sắm, sử dụng hàng hóa. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn bất cẩn, tin dùng sản phẩm hàng hóa trôi nổi dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Để ngăn chặn tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng siết chặt quản lý thị trường, tập trung kiểm tra thương nhân chợ truyền thống, xử phạt nghiêm minh khi phát hiện cơ sở kinh doanh có sai phạm hoặc không bảo đảm điều kiện an toàn. Ban Quản lý ATTP đã phát triển chuỗi thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn cao hơn quy định chung hiện hành như: Sản phẩm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...), từ 97 chuỗi ban đầu tăng lên 279 chuỗi hiện nay. Những sản phẩm này đã được kết nối vào bếp ăn trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Ban cũng giám sát tiêu chuẩn nhập hàng và yêu cầu nâng tiêu chuẩn chất lượng nhập hàng để tạo áp lực buộc nhà cung cấp phải chú trọng chất lượng, nâng tiêu chuẩn sản xuất.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhà cung cấp và người sản xuất phải cộng đồng trách nhiệm, coi trọng sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng để cung ứng những mặt hàng an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn phải tăng cường giám sát, phối hợp ngăn chặn thực phẩm bẩn ngay từ cửa ngõ thành phố; đồng thời bảo đảm nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, tiện truy xuất. Với người dân, hãy là người tiêu dùng thông minh để sử dụng những sản phẩm chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Bài và ảnh: YẾN LONG