Trước đây, tại một số góc khuất ở các tuyến phố hoặc ven kênh rạch, không ít người dân còn tùy tiện xả rác vào đêm khuya, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. Thực hiện cuộc vận động, quận 1 tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là tham gia phản ánh thông tin liên quan đến các điểm tập kết rác, vứt rác bừa bãi của người dân tại một số khu dân cư. Các phường phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ tổ dân phố, tổ tự quản bảo vệ môi trường. Quận lắp đặt hệ thống camera giám sát và lập đường dây nóng, ứng dụng mạng xã hội trong tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh, tố giác tình trạng vứt rác tùy tiện, ô nhiễm môi trường tại địa bàn, qua đó có biện pháp xử phạt, nhắc nhở chính xác, kịp thời.
    |
 |
Tuổi trẻ quận 12, TP Hồ Chí Minh dọn vệ sinh môi trường. |
Những năm trước, ở quận 3, nhiều tuyến đường, khu chung cư, người dân thường vứt rác tùy tiện vào các góc khuất, nắp cống thoát nước gây tắc nghẽn dòng chảy... Khắc phục vấn đề này, UBND quận 3 đã triển khai các công trình “chung cư xanh”, “tuyến đường xanh”, “cửa sổ xanh”... Nhờ vậy, địa phương phát triển được nhiều mảng xanh, khắc phục điểm “đen” về ô nhiễm môi trường. Hay UBND quận 12 có Phong trào “Tuần thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình”. Theo đó, hằng tuần, người dân mang chất thải nguy hại đến giao cho lực lượng chức năng tại các điểm tiếp nhận... Các đơn vị LLVT tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều mô hình, phong trào tình nguyện trong bảo vệ môi trường.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, ngành chức năng thành phố đã kịp thời xây dựng những quy định cụ thể về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế từ bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, khu cách ly tập trung... Công nhân các công ty, nhân viên phục vụ được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác thải được chuyển lên xe có thùng kín và được khử khuẩn trước khi chuyển đến xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao, sau đó được hóa rắn, chôn lấp an toàn tại khu vực an toàn dành cho rác thải nguy hại, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện cuộc vận động trên, thành phố thường xuyên rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, khắc phục những hạn chế. UBND thành phố yêu cầu các địa phương có kế hoạch giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực; thường xuyên kiểm tra, giám sát nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo đồng chí Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đã được các cấp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai tích cực với nhiều phong trào, mô hình, biện pháp cụ thể, thiết thực. Bước đầu thành phố đã thực hiện hiệu quả công tác giảm ngập nước, 100% chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, an toàn; ngăn ngừa, ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Bài và ảnh: DUY NGUYỄN