Tìm hiểu ở các chợ An Đông, An Bình thuộc quận 5, nhiều tiểu thương cho biết lượng khách đến chợ đã đông hơn các tháng trước đây. Chị Nguyễn Thị Thu Vân, kinh doanh rau tại chợ An Đông (quận 5) chia sẻ: "Sau thời gian giá xăng, dầu tăng mạnh, hàng thực phẩm thiết yếu từ các chợ đầu mối tăng cao khiến hàng hóa bán rất chậm. Khi giá xăng, dầu giảm liên tục, các chợ đầu mối điều chỉnh giá giảm nên chúng tôi mạnh dạn nhập hàng về nhiều và giảm mạnh giá bán. Nhờ đó, số lượng hàng thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, gia vị... bán chạy gấp đôi so với đầu tháng 6-2022".

Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng ban Quản lý chợ An Đông cho biết, trong hai tuần gần đây, giá hàng thiết yếu đã được các tiểu thương đồng loạt giảm 10-20% để kích cầu và tăng doanh số. Ban quản lý chợ thường xuyên triển khai tuyên truyền, vận động các tiểu thương áp dụng mức giá phù hợp để giữ khách, hút khách đến chợ.

leftcenterrightdel
Khách hàng mua thực phẩm thiết yếu ở chợ An Đông với mức giá giảm so với cách đây vài tháng. 

Cùng với các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị bán lẻ hiện đại ở TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá khá mạnh đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả... Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, cùng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, các đơn vị quản lý chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn nắm chắc các chuỗi cung ứng hàng hóa, giám sát giá, áp dụng chương trình khuyến mại, kiểm soát chặt chẽ mức giá hàng thiết yếu trên thị trường... Các hệ thống phân phối phải dự báo tốt cung-cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường.

Theo ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá hàng hóa, ngành công thương thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí trung gian trong sản xuất, lưu thông hàng hóa; giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng thông qua tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu với các tỉnh, thành phố khác; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiết giảm chi phí tiếp thị và thời gian, chi phí tìm kiếm nguồn hàng... Đặc biệt, Sở Công Thương tiếp tục vận động và hỗ trợ các hệ thống phân phối áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác, ưu tiên đối với hàng hóa thiết yếu.

Đầu tháng 8, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; rà soát mức giá bán đăng ký để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng, dầu trong cơ cấu hình thành giá. Nhờ đó, các đơn vị phân phối, sản xuất, kinh doanh có những chính sách giảm giá các hàng hóa thiết yếu phù hợp với thị trường, không để tình trạng giữ giá, tích trữ hàng hóa thiết yếu để bán giá cao, gây mất ổn định thị trường trong tình hình giá xăng, dầu biến động mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM