Người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn quận đến đây để mua những loại hàng hóa, nhu yếu phẩm với giá “0 đồng”. Đây là gian hàng do Ủy ban MTTQ Việt Nam quận phối hợp tổ chức nhằm chăm lo đời sống cho người nghèo.
Đến với cửa hàng “0 đồng”, mỗi người được phát một phiếu có giá trị từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng để tùy chọn các sản phẩm sẵn có theo nhu cầu. Bà Lê Thị Thủy, 69 tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn thuộc phường Đa Kao, bày tỏ: “Chỉ cần lấy đủ các mặt hàng theo giá tiền ghi trên phiếu là gia đình tôi đủ dùng tiết kiệm cả tuần, đỡ vất vả mưu sinh, nhất là những ngày mưa gió”.
    |
 |
Trao phương tiện sinh kế hỗ trợ hộ nghèo tại quận 10 (TP Hồ Chí Minh). |
Không chỉ quận 1 mà nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng nỗ lực chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo để cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 58.000 hộ nghèo và cận nghèo, với hơn 227.700 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,29% so với tổng số hộ dân. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã bố trí hơn 15.144 tỷ đồng để triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được chính sách an sinh xã hội, giảm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp thoát nghèo bền vững. Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp chăm lo cho người nghèo thông qua nguồn vốn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội. Các tổ chức, đoàn thể, địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ, tặng quà, tặng phương tiện sinh kế giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, phát triển kinh tế nâng cao mức sống. Song, vấn đề lâu dài là tạo việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để họ có thu nhập ổn định, từng bước tự bảo đảm cuộc sống".
Với tinh thần đó, các ngành, các cấp toàn thành phố tích cực liên hệ với doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho người lao động; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho người nghèo. Trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh xác định chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó có 140.000 việc làm mới; đào tạo nghề cho 371.000 lao động; đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động; tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, chú trọng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Những biện pháp này hướng mạnh đến lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Ông Đỗ Hữu Long, hộ cận nghèo thuộc quận Bình Thạnh, bày tỏ: "Con trai tôi vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ tạo việc làm ổn định. Gia đình tôi lại được các tổ chức, đoàn thể thường xuyên động viên, tặng phương tiện sinh kế. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao, thiết thực khích lệ gia đình tôi nỗ lực vươn lên sớm thoát nghèo bền vững".
Bài và ảnh: NGỌC DUNG