Đến tham quan, du lịch tại huyện Cần Giờ, chị Đoàn Thị Mỹ Trinh, ngụ tại phường 16, quận Gò Vấp chia sẻ: "Tôi đã đến Cần Giờ nhiều lần, mỗi lần tham quan là một lần trải nghiệm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn về ẩm thực, đờn ca tài tử, khu căn cứ cách mạng Rừng Sác, hệ sinh thái rừng ngập mặn, quy tụ nhiều sinh vật hoang dã...".

Suy nghĩ của chị Trinh cũng là cảm nhận của nhiều du khách khi đến tham quan, du lịch tại huyện Cần Giờ.

leftcenterrightdel
 Đoàn cán bộ TP Hồ Chí Minh khảo sát mô hình hoạt động đờn ca tài tử tại huyện Cần Giờ.

Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP Hồ Chí Minh giáp biển, có nét văn hóa đặc sắc, nhiều di tích lịch sử, di sản được xếp hạng cấp quốc gia, thành phố. Với tiềm năng to lớn, những năm qua, địa phương đã quan tâm phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, được du khách ưa thích. Huyện cũng đã triển khai các tour TP Hồ Chí Minh-Cần Giờ-Thạnh An với các hoạt động tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản, trải nghiệm đánh bắt cá, thưởng thức ẩm thực, đờn ca tài tử... hoặc tour tham quan, tìm hiểu đời sống người giữ rừng, trải nghiệm hoạt động sản xuất dưới tán rừng của người dân...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, Cần Giờ vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch tại không ít cơ sở còn mang tính tự phát, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa có tính đặc trưng...

Nhận rõ vấn đề này, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát phát triển du lịch tại huyện Cần Giờ. Theo đồng chí Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND thành phố, qua khảo sát thực tiễn nhằm rà soát, nhận định, đánh giá đúng tình hình cụ thể về khó khăn, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Cần Giờ, từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch, triển khai những dự án phát triển du lịch đạt hiệu quả thiết thực nhất.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, UBND xã Thạnh An (Cần Giờ) đã quyết định thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng, gồm 10 thành viên, thực hiện cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan, trải nghiệm, đờn ca tài tử cho du khách. Còn UBND thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) cũng thành lập tổ hợp tác du lịch sinh thái nhà vườn với hơn 20 thành viên, thực hiện các dịch vụ tham quan nhà vườn, câu cá giải trí, trải nghiệm đánh bắt hải sản, mua sắm... đặc trưng. Nhiều xóm, ấp đã thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử; múa, hát, trò chơi văn hóa dân gian... thu hút đông người tham gia...

Lợi thế vùng giáp biển, hệ thống sông, rạch chằng chịt, Cần Giờ quan tâm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch biển, du lịch đường sông, ẩm thực... mang dấu ấn đặc trưng của địa phương, nhằm giữ chân du khách. Hiện nay, Cần Giờ đã phát triển các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, như Yến Sào Cần Giờ, khô cá dứa Cần Giờ, xoài cát Cần Giờ... Với nhiều di tích lịch sử văn hóa và có khu rừng ngập mặn đa dạng sinh học, Cần Giờ đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả các di tích để phục vụ du khách. Địa phương xây dựng sản phẩm du lịch giáo dục truyền thống với các mô hình hoạt động cắm trại, thể dục-thể thao, tham quan, khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng thu hút giới trẻ, học sinh, sinh viên, đối tượng chính sách, nhà nghiên cứu... đến tham quan, du lịch, học tập vào ngày nghỉ cuối tuần.

Thành phố chủ động rà soát triển khai thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển du lịch, văn hóa Cần Giờ gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo động lực phát triển bền vững, kết nối Cần Giờ với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận. 

UBND thành phố phân cấp, phân quyền cho huyện Cần Giờ nhằm phát huy vai trò năng động, sáng tạo của địa phương. Các ban, ngành, quận nội thành thường xuyên quan tâm chia sẻ, hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Cần Giờ phát triển. Cấp ủy, chính quyền huyện Cần Giờ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân và thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất, sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch biển, du lịch đường sông, du lịch cộng đồng đặc trưng, thỏa mãn nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, địa phương rà soát, vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín đến đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, hướng đến xây dựng Cần Giờ thành khu đô thị du lịch sinh thái trở thành điểm đến hấp dẫn, mới lạ của TP Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung trong thời gian tới.

Bài và ảnh: NGUYỄN HIỂN - ĐỖ PHÚ