Đa dạng lợi thế, tiềm năng

Theo các chuyên gia kinh tế, huyện Nhà Bè hiện có tiềm năng, lợi thế rất lớn cả về điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng và những thuận lợi do địa phương xung quanh mang lại. Những lợi thế sẵn có của huyện Nhà Bè có thể kể đến là: Khu đô thị cảng Hiệp Phước, sông Soài Rạp, dự án xây dựng trục Bắc-Nam, tuyến đường nối Khu công nghiệp Hiệp Phước vào trung tâm thành phố... Đây là tuyến đường TP Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng với lộ giới 60m, xuyên qua nội thành nối các huyện: Hóc Môn, Củ Chi... đến Campuchia, mở ra lợi thế rất lớn cho huyện Nhà Bè.

Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: “Phát triển huyện Nhà Bè hiện nay luôn phải gắn liền với quận 7, vốn là phần phát triển nhất của huyện Nhà Bè trước đây. Hiện tại, quận 7 đang có khu chế xuất Tân Thuận với quy mô 300ha đến năm 2041 sẽ hết thời hạn cho thuê đất, công năng cũng thay đổi. Diện tích 300ha này chính là “đất kim cương” cùng với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tuyến đường Nguyễn Văn Linh và khu đô thị Nam thành phố hơn 2.600ha là tiềm năng vô cùng lớn cho Nhà Bè trong việc phát triển kinh tế-xã hội”.

leftcenterrightdel
Cảng Hiệp Phước - một trong những lợi thế của huyện Nhà Bè. 

Xét về điều kiện tự nhiên, Nhà Bè là vùng đất nằm trên 5 nhánh sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp. Đặc điểm này mở ra cơ hội để Nhà Bè phát triển kinh tế cảng biển. Trong đó, cảng Tân Cảng-Hiệp Phước có vai trò trọng yếu của cụm cảng Hiệp Phước sẽ tạo cơ hội đột phá về phát triển kinh tế đô thị Nhà Bè, trở thành trung tâm logistics quan trọng phía Nam thành phố. Theo ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc marketing (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn), với vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải thế giới, TP Hồ Chí Minh nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm logistics, cảng biển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm cảng biển số 4, trong đó, huyện Nhà Bè được quy hoạch có khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp và khu bến Nhà Bè trên sông Nhà Bè, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam. Với lợi thế về vị trí địa lý và các quỹ đất quy hoạch quanh cảng, cụm cảng Hiệp Phước có tiềm năng lớn trong việc phát triển các dịch vụ logistics cho khu vực Nhà Bè, kết nối đường thủy với cụm cảng Cái Mép làm hậu phương vững chắc cho hoạt động xuất, nhập khẩu của miền Nam. Định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là: Huyện Nhà Bè được quy hoạch có Trung tâm logistics Hiệp Phước với quy mô hơn 250ha, chức năng làm trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử, hàng nội địa... “Vấn đề là khai thác tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế cảng biển, sông nước sao cho hiệu quả để phát triển nhanh, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương mới là điều cốt lõi”, ông Trương Tấn Lộc nhấn mạnh.

Chú trọng khai thác tiềm năng sông nước

Chủ trương xây dựng huyện Nhà Bè trở thành khu đô thị thông minh, sinh thái phía Nam TP Hồ Chí Minh đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nhà Bè phải lựa chọn hướng phát triển phù hợp. Trong đó, vấn đề khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển đang được quan tâm, tập trung khai thác thế mạnh từ cụm cảng Hiệp Phước. Bên cạnh đó, việc đầu tư và phát triển trung tâm logistics theo quy hoạch xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước, từ đó hoàn thành khu đô thị vệ tinh phía Nam (quận 7 và Nhà Bè), tạo điều kiện mở rộng không gian vùng đô thị TP Hồ Chí Minh hướng ra biển mang ý nghĩa to lớn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố và huyện Nhà Bè. TS Nguyễn Đức Trí, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Huyện Nhà Bè cần thiết lập mạng lưới giao thông chính nhằm kích thích sự giao thương nội bộ huyện, giữa huyện với các địa phương lân cận của thành phố và tỉnh liền kề; ưu tiên phát triển hoạt động du lịch đường sông và nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp nhằm khai thác lợi thế biển một cách hiệu quả để phục vụ cho quy hoạch phát triển tổng thể của địa phương”.

Hiện tại, Nhà Bè được quy hoạch là một trong 2 hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh ở hướng Nam, tiến ra biển. Huyện có nhiều lợi thế về sông nước, mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái. Cho nên việc khai thác lợi thế sông nước, cảng biển phục vụ phát triển kinh tế cần được ưu tiên hàng đầu. Theo TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Nhà Bè cần định hình là một phần của khu đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông, hướng biển và vệ tinh phát triển phía Nam TP Hồ Chí Minh, gắn liền không gian phát triển Nhà Bè-quận 7. Lãnh đạo huyện cần chú trọng phát triển giao thông đường thủy để kết nối với quận 1 qua bến Bạch Đằng; đồng thời tận dụng lợi thế của quận 7 là nơi có nhiều công ty công nghệ của Việt Nam để đẩy mạnh không gian số, kinh tế số...

Những lợi thế nội tại và lợi thế cộng hưởng được các chuyên gia quy hoạch, kinh tế chỉ ra giúp Nhà Bè sớm xác định đúng chủ trương, tập trung khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Bài và ảnh: TRẦN THỦY