Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hiện lãnh đạo thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, phát triển sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư.

Cụ thể, thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ những khó khăn; đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng với DN, bình ổn giá thị trường, nhất là thị trường nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng. Các ngành chức năng chủ động nắm bắt thông tin của DN, kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là khó khăn về tín dụng, qua đó cập nhật, hỗ trợ DN tiếp cận nhanh các chính sách mới. Thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

leftcenterrightdel
 Cây "ATM gạo" tại TP Hồ Chí Minh phát gạo cho người lao động nghèo. 

So với năm 2020, năm 2021, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,5%; thu hút đầu tư nước ngoài tăng 5,8-6 tỷ USD, lượng kiều hối tăng gần 9%... Các ngành chức năng thường xuyên trao đổi với các hiệp hội DN, nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI nhằm chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện đưa sản xuất, kinh doanh nhanh chóng trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Thành phố cũng chủ động tổ chức các hoạt động hội thảo, kinh tế đối ngoại với các tổ chức quốc tế, giúp DN tiếp cận, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng cơ hội xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm trên thế giới. Các ban, ngành, địa phương tích cực triển khai chương trình hỗ trợ DN về công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông để chuyển đổi số, phát triển mạng lưới, hạ tầng, dịch vụ, thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Trong sản xuất công nghiệp, TP Hồ Chí Minh tập trung hỗ trợ DN bị đứt gãy chuỗi sản xuất và tìm kiếm thị trường để nhập khẩu nguyên, vật liệu, phụ kiện, trong đó chú trọng hỗ trợ DN của thành phố kết nối với các DN FDI. UBND thành phố triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN và sản phẩm thuộc các ngành: Cơ khí; tự động hóa; cao su; nhựa; chế biến thực phẩm... hoàn thiện chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, làm nền tảng để thành phố tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Các địa phương, đơn vị chủ động chuẩn bị mặt bằng sạch, nguồn cung lao động dồi dào, xây dựng hạ tầng kết nối góp phần thu hút vốn đầu tư, triển khai nhanh, hiệu quả các dự án, công trình trọng điểm.

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí về sản xuất, kinh doanh và chăm lo tốt đời sống công nhân, người lao động. Các ban, ngành thành phố đã tuyên truyền, vận động, huy động nhiều nguồn lực thông qua nhiều mô hình, chương trình hiệu quả, thiết thực. Thành phố vận động, tiếp nhận hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm, tiền mặt với tổng trị giá hơn 4.103 tỷ đồng, kịp thời chăm lo công nhân, người lao động khó khăn bị tác động bởi dịch Covid-19, giúp họ yên tâm ở lại thành phố sản xuất và giúp DN, người lao động yên tâm sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Bài và ảnh: PHÚC NGUYỄN