Mới đây, Đội Quản lý thị trường thành phố phối hợp với UBND phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) kiểm tra tại điểm kinh doanh quần áo trên địa bàn đã phát hiện hơn 1.700 quần áo giả nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, ngành chức năng thành phố kiểm tra tại đường Vườn Lài (quận Tân Phú) cũng phát hiện 140 máy tính xách tay lậu.

Chỉ từ đầu tháng 7-2022 đến nay, các lực lượng chức năng của TP Hồ Chí Minh đã phát phiện gần 200 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm về kinh tế. Hàng lậu, hàng nhái chủ yếu là mặt hàng thiết yếu, như quần áo, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, dược phẩm... Vì lợi nhuận, các đối tượng dùng mọi phương thức, thủ đoạn buôn bán trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... Nhiều đối tượng buôn bán công khai tại những tuyến phố ở các quận, huyện vùng ven, như đường Quang Trung, Dương Quảng Hàm, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Trần Thị Năm, Dương Thị Mười (quận 12)... và tại các chợ tự phát. Mua chiếc áo mới chỉ với giá 80.000 đồng, chị Hà Thị Lụa, công nhân ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho hay: “Vẫn biết là hàng nhái nhưng vì mẫu mã đẹp, bắt mắt như hàng chính hãng, giá lại rẻ nên tôi vẫn thích mua dùng”.  

leftcenterrightdel
Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. 

Chủ động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể. Theo đó, thành phố phân công lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Thành phố cũng chủ động luân chuyển cán bộ, công chức, nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời tăng cường điều tra, xử lý nghiêm những thủ đoạn lập đường dây, ổ nhóm, đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Ngành chức năng còn chú ý tăng cường kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế giá trị gia tăng, hoạt động thương mại tại thị trường nội địa, các loại hình kinh doanh dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại, như xuất nhập khẩu, ký gửi, gia công, vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào nội địa... Các quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát bảo đảm không trùng lặp, bỏ qua kẽ hở hoặc gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa. Chính quyền các cấp cũng chủ động rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất về phòng, chống hàng giả, hàng nhái và lập đường dây “nóng” để tiếp nhận ý kiến, thông tin phản ánh của mọi tổ chức, cá nhân. Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Theo đồng chí Lê Đình Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, bên cạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Bài và ảnh: THANH HƯƠNG