Nhiều loại quần Jeans có nhãn mác, mẫu mã đẹp, nhưng giá chỉ từ 80.000 đến 100.000 đồng/chiếc... Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ tại phường 7, quận Gò Vấp, một khách hàng thường xuyên của những mặt hàng bày bán vỉa hè cho biết: “Đa số hàng bán kiểu này đều là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn nhiều so với hàng thật cùng nhãn mác nên người tiêu dùng thích lựa chọn".

Đánh trúng tâm lý nhiều người tiêu dùng thích hàng rẻ tiền, có mẫu mã đẹp, sức mua tăng vào dịp cuối năm nên các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm bán, phân tán công đoạn sản xuất ở nhiều nơi, giao hàng nhiều đợt, số lượng ít, trà trộn hàng giả lẫn hàng thật, cất giấu ở nơi kín đáo. Đối với sản phẩm giả trong nước, các đối tượng thường làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng tương tự như mác thật và cũng chỉ dẫn địa chỉ, nhưng chỉ là "ảo". Điều đáng lo ngại, những hàng giả là thực phẩm, hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ làm thiệt hại nền kinh tế, chính sách thu hút đầu tư của thành phố, quyền lợi nhà sản xuất, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Các quầy hàng quần áo giá rẻ mọc lên như nấm ở khu Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, người tiêu dùng rất khó phân biệt hàng thật-giả. 
Theo số liệu của Sở Công Thương, từ đầu năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng của TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 310 vụ hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, trị giá hơn 2,7 tỷ đồng, xử phạt 1,9 tỷ đồng. Các loại hàng giả, hàng nhái chủ yếu là sản phẩm thiết yếu, giày, dép, quần áo, thực phẩm chức năng, mắt kính, vật liệu xây dựng, phân bón... Trong đó, nhiều loại hàng giả có công nghệ sản xuất hiện đại, tinh vi, khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết.

Dự báo từ nay đến cuối năm là thời điểm hàng giả, hàng nhái gia tăng. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là cuộc đấu tranh gian nan cần huy động cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, vượt trội về bao bì, xây dựng thương hiệu; giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, nhân viên không tham gia tiếp tay cho việc làm hàng giả. Các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện đầy đủ quy định pháp luật, đồng thời thiết lập cầu nối với người tiêu dùng, thường xuyên quảng bá để mọi người nhận biết.

UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các lực lượng thanh tra, quản lý thị trường, công an và chính quyền cơ sở chủ động dự báo, đánh giá đúng tình hình, phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; gắn chống hàng giả với đấu tranh chống buôn lậu. Hội bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với các ban, ngành đổi mới công tác tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm, phổ biến pháp luật, cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng kiến thức cơ bản về hàng hóa phổ biến, cách nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Bài và ảnh: DUY HIỂN