Cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua là giai đoạn đỉnh điểm dịch Covid-19, gây tổn thất nặng nề cho TP Hồ Chí Minh. Số ca nhiễm và số ca tử vong gia tăng liên tục. Trước tình hình ấy, giám đốc và hội đồng y khoa Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm để điều trị cho bệnh nhân; đồng thời cho bệnh nhân dùng dạng viên uống thay vì tiêm để thuận tiện và giảm bớt nhân lực y tế phục vụ. Phương pháp này được lãnh đạo thành phố đồng thuận. Ngay sau đó, nhiều đồng chí bí thư huyện ủy, quận ủy đã tham khảo, chỉ đạo y tế cơ sở nghiên cứu áp dụng chữa trị cho các F0 cách ly tại nhà.

TS, BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Khi đó, phương pháp điều trị này chưa được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng mà mới chỉ được áp dụng cho bệnh nhân nặng phải nhập viện. Thế nhưng, qua tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, bệnh viện quyết định tiên phong áp dụng phương pháp này để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi rất mừng là phương pháp điều trị của bệnh viện đã được nhiều quận, huyện linh hoạt vận dụng, triển khai ngay tại địa phương, phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, khu cách ly, bệnh viện dã chiến”.

Sau đó, Sở Y tế thành phố ban hành hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có thuốc kháng viêm, kháng đông và kháng virus. Sự quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện và lãnh đạo chủ chốt thành phố đã góp phần hạn chế tổn thất do dịch bệnh gây ra.

Tại quận 7, để ngăn chặn dịch lan rộng, lãnh đạo quận đã chỉ đạo áp dụng nhiều sáng kiến phòng, chống dịch, như: Đưa bồn oxy công nghiệp vào bệnh viện, tăng cường test nhanh sàng lọc F0, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ chống dịch... Đồng chí Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7 chia sẻ: “Dịch bùng phát, không thể thụ động, trông chờ ở trên, chúng tôi xác định, chống dịch là việc của mình nên phải chủ động làm hết khả năng để hạn chế thấp nhất số ca lây nhiễm, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng và chữa trị kịp thời những ca bệnh nặng”. 

Ngay từ giữa tháng 7-2021, Quận ủy quận 7 đã nhận thức rõ nguy cơ, kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp chống dịch. Trước hết là sử dụng test kháng nguyên để kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng, không đợi xét nghiệm PCR rồi mới bóc tách sẽ mất thời gian và làm dịch lây nhiễm diện rộng. Để có đủ bộ test nhanh, lãnh đạo quận kêu gọi nguồn lực hỗ trợ với số lượng gấp nhiều lần chỉ tiêu cấp phát nên đã nhanh chóng sàng lọc diện rộng, bóc tách F0, hạn chế tối đa lây nhiễm. Quận 7 cũng là địa phương đầu tiên tăng cường hiệu lực của y tế cơ sở mà sau này phát triển thành tổ y tế cộng đồng trên toàn thành phố.

Đặc biệt, mô hình tam giác, gồm: Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng-bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 7-khu cách ly, do Bí thư Quận ủy quận 7 đề xuất đã phát huy hiệu quả rõ nét. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng đảm nhiệm tất cả ca cấp cứu từ các phường chuyển lên, trực tiếp phân loại, sàng lọc rồi chuyển sang bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly theo mức độ bệnh. Cách làm này hạn chế tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo và giảm nguy cơ tăng nặng, tử vong do bệnh nhân được chuyển điều trị đúng tầng, đúng tuyến.

Một sáng kiến rất hữu ích của quận 7 là cải tiến bồn chứa 32 tấn oxy công nghiệp từ dạng oxy lỏng sang dạng oxy khí để phục vụ chữa trị bệnh nhân Covid-19. Sáng kiến này góp phần mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân nặng trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 7 được thành lập đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn. 

Ở huyện Củ Chi, lãnh đạo huyện thống nhất chủ trương “không coi F0 là bệnh nhân”. Theo đó, các F0 vào cơ sở cách ly tập trung được quan tâm chăm lo sức khỏe chu đáo; được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung trái cây trong chế độ ăn hằng ngày và thoải mái rèn luyện thể lực... Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “Trong chăm sóc, điều trị F0, ngoài tăng cường chế độ dinh dưỡng, chúng tôi còn huy động giáo viên tham gia nấu nước chanh, sả, gừng cho các F0 uống hằng ngày. Các khu cách ly có không gian rộng để F0 vận động, tập thể dục, đi lại thay vì chỉ ở trong phòng; đồng thời trang bị hệ thống loa phát thanh vừa phục vụ giải trí bằng âm nhạc vừa có thêm kênh tuyên truyền, hướng dẫn. Nhờ vậy, tỷ lệ F0 không triệu chứng phải chuyển lên các tuyến điều trị giảm hẳn, bệnh nhân thoải mái tâm lý nên bệnh tình nhanh khỏi...”. 

Những cách làm sáng tạo, kịp thời, hiệu quả của nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch Covid-19 ghi dấu ấn đậm nét của đội ngũ cán bộ chủ trì năng động, tận tụy, hết lòng vì dân.

Bài và ảnh: YẾN HƯỜNG