Sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân là một trong những nguyên nhân khiến dọc lề Quốc lộ 22 tồn tại nhiều đống rác bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường.

Bà Ngô Thị Bảy, ngụ tại Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn bức xúc: "Nhiều buổi tối, sáng sớm hoặc lúc trời mưa, chúng tôi còn thấy nhiều người chở bằng xe máy, xe ba gác vứt những bao rác xuống lề đường rồi chạy mất hút. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và có hình thức xử phạt nặng những hành vi xả rác bừa bãi như thế này". Còn ông Trần Văn Biển, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) nói: "Nhiều hôm, sáng sớm mở mắt dậy đã thấy những bao rác to nằm ngay ở khu đất trống trước nhà, không biết sao lại có những người ý thức kém đến như thế?".

leftcenterrightdel
Thanh niên TP Hồ Chí Minh tình nguyện vệ sinh môi trường. 

Không chỉ tại quận 12, huyện Hóc Môn mà nhiều tuyến đường ở các quận, huyện vùng ven của thành phố, tình trạng xả rác tùy tiện trên các tuyến đường, kênh rạch cũng diễn ra khá phức tạp. Bên cạnh những người bán hàng rong vứt rác tùy tiện còn có không ít đối tượng lợi dụng đêm tối, sáng sớm hoặc lúc trời mưa để lén vứt rác xuống ven đường, nhất là các tuyến đường gần chợ, nhà máy, trường học, những bãi đất trống, bãi đất khuất... Tình trạng vứt rác bừa bãi không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà còn phát sinh nhiều dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tình trạng xả rác tùy tiện không chỉ vi phạm quy định bảo vệ môi trường mà còn biểu hiện không đúng về đạo đức, lối sống của người dân ở một thành phố lớn đang nỗ lực xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi, UBND TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình, biện pháp. Các địa phương xây dựng tiêu chí chuẩn hóa xanh, sạch, đẹp tại các tuyến phố, khu phố, xóm ấp. Các địa phương cũng chủ động rà soát hệ thống thùng rác công cộng, bảo đảm cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt quy định bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng mà cần sự chung tay của mọi người dân, tổ chức trong cộng đồng. Vì thế, các ban, ngành, tổ chức cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, chấp hành nghiêm quy định pháp luật cũng như phát hiện những vi phạm và phát động các phong trào thiết thực nhằm thu hút người dân tích cực tham gia. Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tình nguyện xung kích giải quyết những điểm ô nhiễm, trồng thêm cây xanh, các tổ chức đoàn chú ý phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát động các phong trào, chiến dịch cụ thể. Đồng thời, quan tâm vận động xã hội hóa xây dựng các công trình hệ thống camera giám sát môi trường tại những địa điểm dễ phát sinh vi phạm, xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy định bảo vệ môi trường của mỗi người dân, xây dựng tuyến phố xanh, sạch, đẹp, thiết thực nâng cao đời sống người dân.

Bài và ảnh: PHÚC NGUYỄN