Nhiều cách làm hay
TP Thủ Đức là một trong những địa phương tổ chức khá thành công mô hình “Đổi rác thải lấy quà tặng”. Từ đầu năm đến nay, các phường trên địa bàn thành phố đã tổ chức hàng chục chương trình, thu gom hàng tấn rác thải nhựa, qua đó trao quà, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chỉ với vài vỏ chai nhựa, mấy miếng bìa giấy cũ, hay túi ni lông, vỏ lon bia..., người dân đã có thể đổi được gạo, dầu ăn, nước mắm, nước tương, đường, sữa... Với mô hình này, TP Thủ Đức không chỉ thu gom được rác thải phục vụ tái chế mà còn huy động được đông đảo người dân tham gia phong trào làm sạch môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm chung của cộng đồng.
Bà Đỗ Thị Hoa, 51 tuổi, ngụ tại phường Tăng Nhơn Phú A, chia sẻ: “Được chính quyền và các đoàn, hội tuyên truyền, chúng tôi nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình nên tích cực tham gia. Phần quà nhận được nếu mình không dùng đến có thể tặng lại hộ nghèo trong khu phố, tăng thêm tình đoàn kết xóm giềng”.
    |
 |
Người dân quận Phú Nhuận tham gia chương trình đổi rác thải lấy cây xanh, quà tặng. |
Ở quận Phú Nhuận, nhiều phường triển khai mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, quà tặng”. Trong đó, phường 10 duy trì khá đều đặn, mỗi quý một lần tổ chức chương trình này để chung tay xây dựng khu dân cư xanh-sạch-đẹp, đề cao trách nhiệm xử lý rác thải, rác tái chế, giảm tác động xấu đến môi trường. Quá trình thu gom rác thải đổi quà tặng, bà con được tuyên truyền các biện pháp đơn giản để giữ gìn môi trường sống trong lành cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; được bán rác thải nhựa lấy kinh phí mua quà chăm lo cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa... Theo đại diện Hội Môi trường xây dựng Việt Nam phía Nam, nếu như quận, huyện nào cũng làm tốt việc thu gom rác thải, trồng thêm cây xanh thì TP Hồ Chí Minh không chỉ giảm hẳn tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, mà còn hỗ trợ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ vươn lên ổn định cuộc sống.
Không chỉ ở cơ sở, cấp quận, huyện và các sở, ngành trực thuộc TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức những mô hình cụ thể bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình 3T (tiết giảm-tái sử dụng-tái chế) đang được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố triển khai rộng rãi; hội thi “Trang trí chậu cây tái chế” và “Trang trí túi vải bảo vệ môi trường” do Ủy ban MTTQ Việt Nam một số quận phối hợp với Phòng TN&MT thực hiện sâu rộng trên địa bàn dân cư... tạo sân chơi bổ ích, nhân rộng lối sống thân thiện với môi trường. Tất cả sản phẩm trong hội thi được bán đấu giá gây quỹ chăm lo cho người nghèo. Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Hưởng ứng Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, các cấp, ngành, địa phương tích cực đề xuất, triển khai nhiều mô hình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Từng người, từng nhà nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp”.
Chủ động triển khai những biện pháp căn cơ
Tại Chương trình “Dân hỏi-Chính quyền trả lời” với chủ đề “Quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức đầu tháng 7-2022, lãnh đạo Sở TN&MT đã đưa ra những giải pháp cơ bản, mang tính lâu dài để xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, được thu gom, xử lý an toàn. Mục tiêu đến năm 2025, khoảng 80% khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế. Ngoài nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng, phải đề cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn và nhân rộng các mô hình thu gom rác thải, bổ sung cây xanh, làm sạch kênh, rạch trên địa bàn.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị 8 vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý rác thải trên địa bàn thành phố. Đó là: Xem xét đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chính sách hỗ trợ hợp tác xã thu gom rác; bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia... Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh: Trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ, ngành TN&MT thành phố thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp thiết thực; chủ động hướng dẫn các địa phương và người dân ký hợp đồng thu gom, định giá phù hợp... Song, vấn đề lâu dài là cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức và sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn để góp sức cùng thành phố giữ gìn môi trường trong lành, sạch đẹp.
Bài và ảnh: DUY ANH - KIM BÌNH