Thành phố xác định đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời tăng tốc các lĩnh vực kinh tế trên cơ sở thích ứng linh hoạt và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Nỗ lực chống dịch và duy trì mục tiêu kinh tế
Trong 9 tháng năm 2021, trước tác động của dịch Covid-19, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài khiến các chỉ tiêu phát triển của TP Hồ Chí Minh bị giảm sâu. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng ước giảm 4,98%, tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,9%... Đối với 29 chỉ tiêu thành phần về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2021, thành phố dự kiến hoàn thành 11 chỉ tiêu, chưa hoàn thành 13 chỉ tiêu và có 5 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán trong thời điểm hiện tại.
    |
 |
Duy trì sản xuất, kinh doanh cho thị trường cuối năm tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản. |
Theo đồng chí Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm kiểm soát dịch Covid-19, quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Tuy chịu tác động của dịch bệnh, kinh tế thành phố trong 9 tháng vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Nổi bật là tổng thu ngân sách đạt 75% dự toán, giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao thành phố ước tăng 12,51% so với cùng kỳ, 5 trong 9 ngành dịch vụ có tăng trưởng dương so với cùng kỳ, các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng...
Liên quan đến nguồn nhân lực, tín hiệu tích cực là có khoảng 150.000 lao động đã quay lại thành phố làm việc tại 1.400 doanh nghiệp, tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải, chế biến, giày da, may mặc... Hiện thành phố đang đẩy mạnh kết nối cung và cầu lao động, mở các sàn giao dịch việc làm nhằm kết nối nhu cầu của người lao động với các doanh nghiệp. Ở góc độ địa phương, đồng chí Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11 thông tin, các phòng, ban của quận đều thành lập các tổ, đội hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Đồng thời, quận triển khai kế hoạch thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm 2021.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp “tăng tốc” phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện hai giải pháp cấp bách: Ban hành gói tài chính hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cần được giãn thuế, giảm thuế. Riêng với TP Hồ Chí Minh, cần giảm chi phí điện, nước, tạm thời chưa áp dụng tăng thu phí hạ tầng cảng biển với doanh nghiệp.
Dồn sức hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất
Cùng với công tác phòng, chống dịch và an sinh xã hội, việc phục hồi kinh tế được TP Hồ Chí Minh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong những tháng cuối năm 2021. Các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái bình thời mới từ đầu tháng 10-2021 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 60% doanh nghiệp phục hồi sản xuất với quy mô lên tới 83% công suất. Theo Ban Quản lý Khu chế xuất-Khu công nghiệp thành phố, nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất đến 90% năng lực với số lượng lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một trong những điều kiện cần để kinh tế thành phố phục hồi nhanh là phải khôi phục những đứt gãy của chuỗi sản xuất, cung ứng trong thời gian giãn cách xã hội để giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường.
Liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng chí Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố thông tin rằng, ngành Công Thương tiếp tục triển khai chương trình kích cầu đầu tư, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để doanh nghiệp mở rộng thị trường, ưu tiên xúc tiến thị trường nội địa. Cùng với đó, ngành Công Thương cũng tổ chức kết nối các ngân hàng thương mại đến từng ngành nghề với các gói hỗ trợ ưu đãi để doanh nghiệp lựa chọn theo nhu cầu.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đến cuối năm 2021 đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 95%. Mới đây, các tổ chức tín dụng và 64 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ký kết nhằm triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng trong quý IV năm 2021. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cũng vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, tạo cơ sở quan trọng để hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ba tháng cuối năm 2021, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ngành, địa phương hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2021, cần tập trung dồn sức hoàn thành ở mức cao nhất, phát huy tinh thần và kết quả phòng, chống dịch để phấn đấu đạt mục tiêu tốt nhất trong ba tháng cuối năm. Đồng thời, tiếp tục cập nhật các bộ tiêu chí an toàn trong từng lĩnh vực để vận hành hiệu quả các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG