Chuyên đề nào, đối tượng đó...

Buổi tuyên truyền chuyên đề về Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo, do Ủy ban MTTQ phường 3, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) tổ chức thu hút đông đảo các chức sắc tôn giáo, cán bộ chuyên môn tham gia. Luật sư Nguyễn Đỗ Cường, Thành viên Liên đoàn Luật sư thành phố được mời giới thiệu chi tiết nội dung văn bản luật, giải đáp tường tận ý kiến của đại diện các tôn giáo trên địa bàn; định hướng trách nhiệm của giáo dân, phật tử xây dựng và bảo vệ quê hương… Đây là một trong những chuyên đề tuyên truyền phù hợp với đối tượng người nghe. Ở chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình, thành phần được mời tham gia gồm các cặp vợ chồng trẻ và những gia đình có biểu hiện chưa tốt, thiếu bình đẳng trong hôn nhân… Ông Dương Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 3, cho biết: “Chuyên đề nào, đối tượng đó là mô hình được chúng tôi lựa chọn triển khai thực hiện hiệu quả từ vài năm qua. Xuất phát từ thực tiễn tuyên truyền các chuyên đề trong năm, nếu dàn trải, đối tượng không phù hợp sẽ không hiệu quả nên Thường trực Ủy ban MTTQ phường thống nhất phân loại đối tượng tham gia phù hợp nội dung để trao đổi sâu hơn, mang lại hiệu quả tuyên truyền thiết thực”.

leftcenterrightdel
Đại diện Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh trao thẻ bảo hiểm y tế tặng hộ nghèo.

Tại quận 5, công tác tuyên truyền các chuyên đề được Thường trực Ủy ban MTTQ quận triển khai cụ thể tới các phường, khu phố với tinh thần chọn đúng đối tượng tham gia phù hợp nội dung chuyên đề, không ôm đồm chạy theo số lượng. Ban thường trực chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức hội thi “Cẩm nang tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở”; phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức hội thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; biên soạn tài liệu, xây dựng phim tuyên truyền những vấn đề lớn trong năm, chuyển tới 15 phường, 99 khu phố; tổ chức tọa đàm thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư… Ông Trần Nam Đức, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 5, chia sẻ: "Mặc dù tổ chức tuyên truyền nhiều chuyên đề trong năm, nhưng chúng tôi luôn xác định chuyên đề nào, đối tượng đó, nội dung sát thực với người dân. Mỗi chuyên đề chúng tôi lựa chọn đối tượng tham gia thích hợp để bảo đảm chất lượng tuyên truyền. Cách làm này nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền, nhân dân toàn quận".

Các quận, huyện khác cũng tiến hành tuyên truyền sát đối tượng; đổi mới hình thức, chắt lọc nội dung cô đọng, dễ hiểu để người dân dễ nhớ, vận dụng thống nhất trên địa bàn.

Nhiều mô hình thiết thực

Để làm tốt vai trò, MTTQ các cấp có nhiều sáng tạo, mỗi quận, huyện có cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm địa phương, nhưng đều hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì lợi ích của quần chúng nhân dân.

Theo đó, mấy năm nay, Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh duy trì đều đặn mô hình “Mỗi tập thể một việc làm thiết thực, mỗi cá nhân một việc làm tốt”, triển khai đến các phường, ban công tác Mặt trận khu phố. Mô hình này gắn với phong trào “3 tiết kiệm, 3 tương trợ”, được hệ thống MTTQ từ quận đến phường tập trung thực hiện, tạo sức lan tỏa về nội dung, ý nghĩa của mô hình trong cộng đồng dân cư. Cụ thể hóa mô hình, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều cách làm hay, như: Xây dựng “Tổ dân phố-Mặt trận an toàn”; “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; thành lập Câu lạc bộ “Đồng cảm”; “Hũ gạo tình thương”; “Tặng thẻ bảo hiểm y tế”; “Tổ liên lạc Người Việt Nam ở nước ngoài đồng hành cùng người nghèo”… Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả, MTTQ các cấp đã huy động được sức mạnh cộng đồng, trở thành “ngôi nhà chung” cho các giai tầng trong toàn quận.

Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh tổ chức chương trình “Bình Chánh nghĩa tình-Kết nối yêu thương”, vận động được hàng chục tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo, sửa nhà, tặng quà gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Theo ông Huỳnh Văn Phạm Hồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh: Với đặc thù là huyện ngoại thành có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, Thường trực Ủy ban MTTQ đề xuất Huyện ủy chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, mô hình tình nghĩa nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo căn cơ, bền vững.

Gần đây, MTTQ quận 6 thực hiện thành công mô hình “2 cùng, 4 có, 4 không” (cùng vì khu phố văn minh, cùng hành động vì môi trường; có ứng xử văn hóa, có sử dụng điện an toàn, có thực hiện 15 phút làm sạch ngõ phố, có để rác đúng nơi quy định; không lấn chiếm lề đường, không kinh doanh thực phẩm bẩn, không tệ nạn, không để xảy ra cháy nổ). Kết quả của mô hình này là 100% khu phố, tổ dân phố có chuyển biến tích cực về cảnh quan, môi trường; tình trạng cháy nổ giảm hẳn; tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau… Bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh nhận định: "Quán triệt phương châm gần dân, sát dân, MTTQ các cấp chủ động đổi mới phương thức hoạt động, triển khai nhiều mô hình cụ thể. Những cách làm, mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong cộng đồng dân cư và phục vụ chính người dân, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn".

Bài và ảnh: YẾN LONG