Ông miệt mài vận động các gia đình nghèo cho con đến lớp; sáng tác thơ để cổ vũ học sinh say mê học tập, vươn lên. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, nhờ sự tác động của ông mà trong cộng đồng người Chăm phường 1 đã có hơn 60 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trở thành kỹ sư, luật sư, bác sĩ… Ông là Kim Sô, một trong số những gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu tham gia giao lưu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh năm 2019.

leftcenterrightdel
Ông Kim Sô (thứ 2, từ trái sang) tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vận động trẻ em đến lớp.

Quận 8 có hàng trăm hộ gia đình người Chăm, có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây, hiện sống rải rác ở các phường, trong đó đông nhất là phường 1. Đồng bào Chăm sinh sống chủ yếu bằng nghề lao động tự do, giản đơn, buôn bán nhỏ lẻ nên kinh tế khó khăn; nhiều trẻ em đến tuổi đi học nhưng do hoàn cảnh, không được tới lớp. Trăn trở trước tương lai của thế hệ mầm non trong cộng đồng người Chăm, ông Kim Sô đã đến tận nhà động viên các bậc phụ huynh cho con đi học. Cái lý mà ông vận dụng để thuyết phục các gia đình là: Con cái có được đi học mới biết ứng xử lễ phép, mới có hiểu biết để hòa nhập, mới có kiến thức để làm kinh tế giỏi phát triển cộng đồng… Nghe vậy, nhiều gia đình đồng ý cho con đến trường. Ông Kim Sô chia sẻ: "Có những hộ nghèo thiếu tiền đóng học phí, tôi lại phải vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng quà, tặng học bổng tiếp bước các cháu đến trường. Thỉnh thoảng, tôi làm thơ đọc cho các cháu nghe để khích lệ ý chí tiến thủ của trẻ em trong cộng đồng người Chăm. Nhờ đó, việc học đã dần được các bậc phụ huynh quan tâm chu đáo".

Một trong những câu thơ ông Kim Sô hay đọc là: “Tương lai xán lạn không xa/ Đền ơn dưỡng dục mới là đạo con”. Những vần thơ mộc mạc ấy đã khơi dậy khát khao học tập, trưởng thành ở hầu hết trẻ em; đồng thời còn như lời khuyên nhủ, vạch ra con đường tươi sáng để các bậc làm cha, làm mẹ thay đổi suy nghĩ, đầu tư sự học cho con em mình. Bé Ahmamath Husna (10 tuổi) đang học tiểu học ở một trường trên địa bàn quận 8, tâm sự: "Nghe lời ông Kim Sô, chúng em cố gắng học tập thật giỏi để tích lũy kiến thức sau này phục vụ gia đình và xã hội. Gần đây, em còn được cha mẹ cho đi học thêm tiếng Chăm ở Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar để hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình".

Để khích lệ các cháu học sinh, Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar Kim Sô tích cực vận động cộng đồng chung tay chăm lo cho thế hệ “búp trên cành” thông qua các hoạt động nghĩa tình, hữu ích, thiết thực hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, tự nguyện cho con em đến trường. Ông Lý Du Sô, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "Thành tích học tập của con em người Chăm phường 1 (quận 8) có đóng góp rất lớn của ông Kim Sô. Lòng nhiệt huyết, sự mẫu mực của một vị Giáo cả đối với tương lai của thế hệ trẻ đã tác động trực tiếp đến nhận thức của mỗi gia đình, tạo đà cho việc học trong cộng đồng ngày càng phát triển".

Bài và ảnh: CHÂU GIANG