Không ít trường học, thư viện, nhà xuất bản tích cực mở các diễn đàn, hội thi giới thiệu sách, giảm giá hoặc phát phiếu tặng quà khi mua sách… nhằm khích lệ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Mới đây, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Tham gia ngày hội, các nhà xuất bản đã trưng bày, giới thiệu hàng nghìn đầu sách có nội dung phong phú, hấp dẫn về tinh hoa tri thức nhân loại; về lịch sử dân tộc, văn chương Việt Nam qua các thời kỳ; ký ức đô thị và con người Sài Gòn; về sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, an ninh-quốc phòng... Đặc biệt, chương trình giao lưu văn hóa đọc trong kỷ nguyên số đã nhấn mạnh giá trị của việc đọc sách nhằm rèn luyện những kỹ năng, tình cảm, kích thích tư duy, trí nhớ và phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người. Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với một số nhà xuất bản tổ chức Hội sách thiếu nhi thành phố năm 2019 với chủ đề “Mở trang sách-Sáng tương lai”. Hội sách là hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích các bạn trẻ yêu thích đọc sách, hình thành thói quen đọc sách và hướng các em tìm đến với kho tàng tri thức vô tận. Học sinh Bùi Hoa Lan, Lớp 5/2, Trường Tiểu học An Bình (quận 2) tâm sự: “Đến đây, em được đọc thỏa thích, có nhiều cuốn trong nhà sách ở quận em sinh sống và ở trường không có. Đủ loại sách hay phù hợp với lứa tuổi chúng em”.
|
|
Độc giả lựa chọn sách ở khu trưng bày, giới thiệu sách. |
Với mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, các trường phổ thông trên địa bàn cũng triển khai nhiều mô hình khuyến khích học sinh đọc sách, như: Trường THCS Quang Trung (quận 4) phát động Phong trào “Tiếp sách giúp bạn đến trường”, xây dựng tủ sách dùng chung, tập hợp nhiều đầu sách hay phục vụ giáo viên, học sinh; Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Thủ Đức) xây dựng phòng trưng bày sách, tư liệu lịch sử cùng nhiều hình ảnh sinh động để học sinh tham quan, đọc sách trong giờ nghỉ giải lao; Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận 5) duy trì khu “Bảo tàng Bác Hồ”, trưng bày sách, ảnh, tư liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để học sinh đọc, tham quan, tìm hiểu trong giờ ngoại khóa…
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng tích cực phối hợp với đoàn thể địa phương tổ chức giới thiệu, quảng bá sách, mời gọi các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhà xuất bản Trẻ tổ chức triển lãm sách hay, đọc miễn phí và bán sách với giá ưu đãi… Tiến sĩ Trần Phú Huệ Quang, Phó trưởng khoa Văn hóa học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Trong kỷ nguyên số, phương tiện nghe-nhìn dường như lấn át việc đọc của con người. Thế nhưng đọc sách cũng có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của mỗi chúng ta. Lứa tuổi nào cũng cần đọc, coi đó như một hình thức thể thao trí tuệ bổ ích. Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số là việc làm không phải một sớm một chiều, cần nhận thức đúng và sự vào cuộc của cả cộng đồng".
Bài và ảnh: YẾN LONG