Với gần 100 hình ảnh, tư liệu, triển lãm đã góp phần tôn vinh người thầy giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, nhà thơ lớn tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19.
Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu quê ở phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc TP Hồ Chí Minh ngày nay). Cuộc đời cụ đồ Chiểu là tấm gương ngời sáng về nhân cách, nghị lực và ý chí vươn lên, về lòng yêu nước thương dân và thái độ kiên trung, bất khuất trước kẻ thù. Văn chính là người, cho nên, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là một trường ca về đạo đức, nhân nghĩa, là tiếng nói yêu nước cất lên từ tấm lòng trung của một chí sĩ Nam Bộ. Trong các áng văn, thơ của cụ đồ Chiểu nổi bật tinh thần “chở đạo, sửa đời và dạy người”: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Với ông, văn thơ không chỉ là tri thức, tâm hồn mà còn thấm đẫm giá trị nhân văn, giúp con người tu tâm, dưỡng tính, đến gần hơn với chân, thiện, mỹ. Chính quan điểm sáng tác ấy đã chi phối phương pháp, mục tiêu dạy học của thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu. Ông dạy cho học trò lễ nghĩa, đạo lý làm người, không màng danh lợi... trước khi dạy chữ, vì vậy được lớp lớp môn đồ tôn kính, xã hội nể trọng. Tấm gương đạo đức người thầy Nguyễn Đình Chiểu mãi tỏa sáng trong nền giáo dục nước nhà.
    |
 |
Tham quan hình ảnh, tư liệu triển lãm về Nguyễn Đình Chiểu tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.Ảnh: LÊ NAM |
Gần đây, nhiều ban, ngành, địa phương tổ chức hội thảo về Nguyễn Đình Chiểu, làm nổi bật những vấn đề gắn với thực tiễn giáo dục-đào tạo hiện nay, như: Giáo dục thế hệ trẻ ý chí bảo vệ cương vực đất nước theo tấm gương cụ Đồ Chiểu; tinh thần yêu nước và văn hóa phương Nam nhìn từ thơ văn và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu; sức ảnh hưởng của tác phẩm thơ, văn Nguyễn Đình Chiểu... Những vấn đề đó rất thiết thực và ý nghĩa, nhất là khi cả nước đang nỗ lực chấn hưng ngành giáo dục. Nhiều chủ trương, biện pháp, phong trào... được ngành giáo dục triển khai sâu rộng ở các cấp học. Trong đó, vấn đề “dạy chữ kết hợp dạy người” chính là sự kế thừa những tinh hoa giáo dục của các bậc tiền nhân mà Nguyễn Đình Chiểu là một người thầy tiêu biểu với triết lý “văn dĩ tải đạo”, sửa đời, dạy người.
Nhìn lại những vụ việc xảy ra do sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên, học sinh trong thời gian qua, chúng ta càng thấm thía tư tưởng dạy học của cụ đồ Chiểu. “Văn dĩ tải đạo”, dạy chữ phải kết hợp dạy người, dùng văn chương để truyền tải đạo lý làm người. Cho nên, mỗi nhà giáo phải thấm nhuần quan điểm giáo dục sâu sắc của các bậc tiền nhân; hãy phấn đấu tu dưỡng để thực sự xứng đáng với danh xưng thầy giáo; hãy làm tốt hơn nữa trọng trách “trồng người” để cho ra đời những “sản phẩm” tròn trịa, có đủ tài, đức, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững. Đây cũng là điều mà ngành giáo dục Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng luôn hướng tới.
YẾN LONG