Trong đó, trận đánh không cân sức giữa tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ (quận 1 ngày nay) với một đại đội quân Anh đã thể tinh thần quyết tử để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

 Theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, trước dã tâm của thực dân Pháp muốn xâm chiếm nước ta lần thứ hai, hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quần chúng nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Tại Cột cờ Thủ Ngữ (khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng), Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ bố trí lực lượng khoảng một tiểu đội tự vệ chiến đấu để bảo vệ lá cờ Tổ quốc treo trên Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23-9-1945, một đại đội quân Anh mang theo vũ khí tiến đến khu vực cột cờ định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ 3 màu của Anh lên thì vấp phải sự phản kháng quyết liệt của tiểu đội tự vệ. Chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta đã kiên quyết ngăn cản địch dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Trận đánh không cân sức diễn ra quyết liệt giữa một bên là những người nông dân-tự vệ, chỉ có lựu đạn tự chế, tầm vông vót nhọn với một bên là kẻ thù thiện chiến, vũ khí hiện đại, quân số đông gấp nhiều lần... Cảm phục trước khí tiết của những người anh hùng, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những chiến sĩ của đối phương đã anh dũng hy sinh dưới chân cột cờ.

leftcenterrightdel
Cột cờ Thủ Ngữ bên sông Sài Gòn mới được trùng tu. 

Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc ngay trong ngày đầu Nam Bộ kháng chiến trở thành biểu tượng của nền độc lập, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đoàn kết, dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh, ngăn chặn bước tiến của quân thù trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp...

Cột cờ Thủ Ngữ được TP Hồ Chí Minh xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố (năm 2016) và được hoàn thành trùng tu, nâng cấp đầu năm 2021, trong tổng thể chương trình chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, trở thành địa điểm kết nối du lịch hấp dẫn người dân và du khách thập phương. Theo PGS, TS Hà Minh Hồng, Cột cờ Thủ Ngữ không chỉ đánh dấu cột mốc giao thương của Sài Gòn thời Pháp thuộc mà còn là một trong những chứng tích lịch sử Nam Bộ kháng chiến, ghi dấu công lao bảo vệ Sài Gòn, giữ gìn lá cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc. Việc tu sửa, chỉnh trang Cột cờ Thủ Ngữ nhằm lưu giữ giá trị lịch sử-văn hóa của Sài Gòn cho các thế hệ người dân TP Hồ Chí Minh hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG