Nội dung tiết dạy tập trung giải thích những câu hỏi: “Con sinh ra từ đâu?”, “Sự hình thành em bé”, “Con làm gì khi gặp người lạ rủ đi chơi”… Những đứa trẻ 5 tuổi khá lanh lợi, hóm hỉnh khi trả lời câu hỏi của cô giáo, thể hiện nhận thức ban đầu của các cháu về giới tính. Đây là chương trình giáo dục giới tính cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhận được sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh trên địa bàn.

Cô Trần Thị Kiều Ánh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn áp dụng chương trình giáo dục giới tính cho trẻ bắt đầu từ năm học 2019-2020, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai, bước đầu đạt hiệu quả tốt nhằm góp phần giúp trẻ hiểu về cơ thể mình, biết bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác”. Nội dung các tiết dạy tập trung vào thực hiện nguyên tắc “5 không” (không đi theo người lạ, không mở cửa cho người lạ vào nhà, không đi xa ba mẹ, không nhận quà hoặc chụp hình với người lạ, không lên xe người lạ); “4 xin phép” (xin phép ba mẹ mở cửa cho người lạ, xin phép được nhận quà, xin phép được đi ra ngoài, xin phép sang nhà bạn chơi) và quy tắc “5 ngón tay” hướng dẫn nhận biết 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống; từ đó đưa ra cách giao tiếp phù hợp, tránh bị lạm dụng.

leftcenterrightdel
Một buổi giáo dục giới tính ở Trường Mầm non Ánh Dương (quận 3).

Chương trình giáo dục giới tính cho trẻ mầm non được Sở GD&ĐT thành phố phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học giáo dục triển khai trong hệ thống mầm non. Theo đó, trẻ mầm non sẽ được hướng dẫn để nhận biết giới tính, hiểu biết về các bộ phận trên cơ thể; cách tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân và biết phân biệt tình huống không an toàn khi tiếp xúc với người lạ. Chương trình còn nhằm mục đích cung cấp kiến thức, kỹ năng và phương pháp giáo dục giới tính cho giáo viên mầm non, giúp phụ huynh thay đổi quan điểm và phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho trẻ.

Tuy nhiên, để chương trình này thực sự hiệu quả và bảo đảm tính thống nhất cần sự hướng dẫn chi tiết của ngành giáo dục thành phố. Theo cô Phùng Cẩm Loan, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 5 (quận Bình Thạnh), giáo dục giới tính cho trẻ 3-5 tuổi là điều rất cần thiết. Thế nhưng ở các trường mầm non, công tác này mới chỉ dừng ở mức làm theo phong trào, chưa có khung chương trình chuẩn mà chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống mang tính trước mắt, chưa bài bản, chưa ràng buộc trách nhiệm phối hợp của phụ huynh. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sắp tới, sở tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học giáo dục chuẩn hóa nội dung, chương trình, tổ chức tập huấn rộng rãi cho đối tượng giáo viên mầm non và phụ huynh để tạo sự đồng thuận cao trong giáo dục giới tính cho trẻ mầm non từ 3 đến 5 tuổi vì mục tiêu bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ xâm hại, mất an toàn.

Bài và ảnh: HÀ BÌNH AN